Giải pháp nào giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất hiệu quả thời hội nhập?
Áp dụng loạt công cụ quản trị doanh nghiệp như Lean, TPM, KPI, 5S… được nhìn nhận là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, giảm lãng phí nhằm tăng năng suất, nâng chất lượng sản phẩm.
Muốn tồn tại và phát triển lâu dài, việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường là yếu tố sống còn với mọi doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với kinh tế thế giới như hiện nay.
Nhiều chuyên gia đánh giá, nâng cao năng suất trong khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quyết định tới việc nâng cao năng suất của toàn bộ nền kinh tế. Việc tiếp cận thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là con đường nhanh nhất để doanh nghiệp Việt Nam tăng tốc phát triển, tận dụng cơ hội cắt giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cụ thể, áp dụng loạt công cụ quản trị doanh nghiệp như Lean, TPM, KPI, 5S… là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, giảm lãng phí nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, để nâng cao năng suất, chất lượng, có nhiều điểm mấu chốt doanh nghiệp cần chú ý tới.
Thứ nhất, doanh nghiệp cần xác định chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế và sở trường, năng lực tài chính của doanh nghiệp; lựa chọn quy mô phù hợp, phát triển những sản phẩm mới có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ hai, đổi mới tư duy để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả thông qua việc ứng dụng các công nghệ quản lý tiên tiến trên thế giới có điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù và văn hóa của doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng điện toán đám mây nhằm cắt giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả hoạt động…
Thứ tư, sử dụng sức lao động hiệu quả chính là một trong những giải pháp tối ưu để nâng cao năng suất, lao động.
Thứ năm, doanh nghiệp cần tập trung đào tạo kỹ năng cho người lao động đáp ứng được yêu cầu của thời đại công nghệ số; nâng cao chất lượng và đổi mới biện pháp quản lý, điều hành...
Thứ sáu, doanh nghiệp cần cung cấp sản phẩm hướng tới nhu cầu của người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa, tích hợp công nghệ tiên tiến để đơn giản hóa quy trình sản xuất, rút ngắn thời gian; loại bỏ lãng phí trong quá trình sản xuất nhưng vẫn đảm bảo khả năng quản lý, chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp…