Giải pháp nào giúp tăng năng suất tổng hợp?
Doanh nghiệp Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn. Chỉ số năng suất tổng hợp (TFP) chưa cao được coi là nút thắt lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Chỉ số TFP chưa cao là nút thắt lớn với doanh nghiệp Việt
TFP là một trong những chỉ tiêu phản ánh chính xác và khái quát nhất hiệu quả sử dụng vốn và lao động, là căn cứ quan trọng để phân tích chất lượng tăng trưởng kinh tế đánh giá tiến bộ khoa học - công nghệ của mỗi ngành, mỗi địa phương hay một quốc gia.
TFP đã và đang là chỉ tiêu quan trọng trong hệ thống các chỉ tiêu kinh tế, được nhiều nước trên thế giới quan tâm nghiên cứu, áp dụng.
Ở Việt Nam, TFP đã được nghiên cứu và đưa vào áp dụng thực tế từ lâu, cùng với sự hình thành và phát triển của hệ thống các chỉ tiêu thống kê kinh tế. Tuy nhiên, nhận thức và việc áp dụng TFP ở nước ta còn nhiều hạn chế, bất cập.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thời gian qua, năng suất, chất lượng trong các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đã có những bước tiến rõ rệt. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng vốn và lao động đang chậm dần, trong khi đó TFP lại có tốc độ tăng nhanh hơn.
Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% tổng số doanh nghiệp đăng ký, tạo ra khoảng 60% GDP, tạo ra hơn 90% việc làm cho người lao động. Điều này khẳng định, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang là trụ cột chính trong nền kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức làm ảnh hưởng đến hiệu quả, sức cạnh tranh. Chỉ số TFP chưa cao được coi là một nút thắt lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao được nâng lực cạnh tranh, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, trước hết là chi phí bất hợp lý phát sinh từ quản lý nhà nước; ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp nhằm cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh.
Hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp đầu chuỗi quan tâm tìm kiếm chuỗi cung ứng trong nước và tăng hàm lượng nội địa hóa; tiếp cận với quy trình, thủ tục đấu thầu, mua sắm của doanh nghiệp đầu chuỗi và được hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đâu chuỗi…
Bên cạnh đó, Chính phủ, cơ quan quản lý cần tập trung đối tượng phát triển là các doanh nghiệp tư nhân; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tư nhân có môi trường phát triển tốt hơn, cải thiện năng suất. Tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm hoạt động, quản lý từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Doanh nghiệp tư nhân cần chủ động đổi mới
Các chuyên gia nêu rõ, bản thân các doanh nghiệp tư nhân cần phải tự đổi mới, thiết lập được hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và đủ sức bắt tay với tập đoàn công nghệ quốc tế lớn để tham gia nhiều hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Kết quả phân tích cho thấy, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có ảnh hưởng tích cực đến TFP của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, tác động này có xu hướng giảm dần độ lớn của TFP. Bên cạnh đó, trung bình các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp có năng suất cao hơn các doanh nghiệp không thuộc khu doanh nghiệp.
Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hay nói cách khác, cải thiện môi trường kinh doanh địa phương của doanh nghiệp thông qua các trụ cột của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cần được đẩy mạnh hơn.
Ngoài ra, cần xây dựng khu công nghiệp hợp lý, phù hợp với điều kiện và nhu cầu của địa phương; thu hút vốn đầu tư và các doanh nghiệp vào các khu công nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng tạo nhằm tạo điều kiện phát triển khu công nghiệp.
Hoạt động xuất nhập khẩu có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng TFP. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế, cải thiện điều kiện kinh doanh và pháp lý, giảm thiểu các rào cản ngoại thương để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bước ra thị trường quốc tế.
Đồng thời, Chính phủ cũng cần chú trọng cải thiện các chính sách giáo dục - đào tạo nâng cao kiến thức, năng lực, kỹ năng cho người lao động. Nhờ đó, Việt Nam sẽ có thể tận dụng tối đa lợi ích từ hiệu ứng lan tỏa đến từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng như chuỗi giá trị toàn cầu...