Giải pháp phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện

Theo Trường Sơn/daibieunhandan.vn

Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tăng hàng năm nhưng rất chậm. Trong số 243.000 người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay, chỉ có khoảng 30% là đối tượng mới, còn lại là những đối tượng tự nguyện đóng tiếp vì đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc trước đó để đủ quỹ hưởng lương hưu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quyền lợi chưa hấp dẫn...

Theo đánh giá của cơ quan BHXH, thực tế những người tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu trong khu vực phi chính thức với đặc thù là lao động tự do, thu nhập bấp bênh, thiếu tính ổn định và không bền vững. Vì điều kiện khó khăn nên việc tiếp cận thông tin cũng như hiểu biết về chính sách BHXH còn hạn chế. Số lượng người tham gia chưa tương xứng với tiềm năng cũng như giá trị nhân văn mà chính sách mang lại do phần lớn lao động ở nông thôn thu nhập thấp và không thường xuyên.

Theo các chuyên gia, dù mức đóng linh hoạt nhưng vẫn còn cao với đại bộ phận người tham gia. Hơn nữa, chính người lao động ở Việt Nam chưa có thói quen tham gia BHXH lúc trẻ để “tích lũy” khi tuổi già. Mặt khác, thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng BHXH là 20 năm thì khá dài, đòi hỏi sự kiên trì, tin tưởng vào chính sách Nhà nước thì người dân mới tham gia.

Bên cạnh đó, quyền lợi người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp cũng là một trong những lý do khiến người dân chưa mặn mà tham gia. Cụ thể, khi tham gia BHXH bắt buộc thì người tham gia được hưởng 5 chế độ gồm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất. Tuy nhiên, nếu tham gia BHXH tự nguyện thì chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất.

Sẽ có cơ chế hỗ trợ...

Theo Phó Vụ trưởng Vụ BHXH - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Trần Hải Nam, từ 1/1/2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.

Đây được xem là một trong những giải pháp thu hút, mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ cụ thể là bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, hỗ trợ 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác.

Với người tham gia BHXH đóng theo phương thức một lần, số tiền hỗ trợ cho những năm còn thiếu được Nhà nước chuyển toàn bộ một lần vào quỹ hưu trí và tử tuất trong cùng năm đóng. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).

Bên cạnh cơ chế hỗ trợ, để khuyến khích người lao động tham gia BHXH tự nguyện tăng diện bao phủ BHXH trong toàn dân, các quy định về cơ chế tham gia BHXH tự nguyện khá linh hoạt.

Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: đóng hàng tháng, đóng 3 tháng một lần, đóng 6 tháng một lần, đóng 12 tháng một lần, đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần.

Cũng theo BHXH Việt Nam, nếu người tham gia thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng), thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Việc đóng sẽ được thực hiện một lần cho những năm còn thiếu đối với điều kiện người tham gia BHXH đã đủ tiêu chuẩn về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định.

Nếu người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm thì được tiếp tục đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức quy định trên cho đến khi thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm. Lúc đó, người tham gia BHXH được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu.