Giải pháp phát triển cơ chế thí điểm chuyển khẩu hàng tiêu dùng
Cơ chế thí điểm chuyển cửa khẩu đối với hàng tiêu dùng tại cảng nội địa ICD Mỹ Đình (Hà Nội) sau hơn hai năm triển khai đã phát huy hiệu quả, đem lại lợi ích nhiều mặt cho cộng đồng doanh nghiệp. Chính vì vậy, vấn đề mà cả doanh nghiệp và Hải quan địa phương quan tâm là cơ chế này sẽ được triển khai như thế nào trong thời gian tới
Theo đánh giá của cơ quan Hải quan, sau hơn hai năm thực hiện cơ chế chuyển khẩu hàng tiêu dùng về làm thủ tục hải quan tại ICD Mỹ Đình có thể khẳng định đây là cơ chế đúng, phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội.
Với tiềm năng về số lượng doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội và công suất hoạt động của ICD Mỹ Đình thì việc tiếp tục duy trì và chính thức hoạt động cơ chế đặc thù sẽ mang lại lợi ích về kinh tế cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế Thủ đô.
Theo số liệu thống kê trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2015 có 1.363 doanh nghiệp và năm 2016 có 1.803 doanh nghiệp thường xuyên nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng để tiêu thụ trên thị trường Hà Nội, trong khi đó năm 2015 có 88 doanh nghiệp và năm 2016 có 226 doanh nghiệp làm thủ tục hải quan theo cơ chế đặc thù chuyển khẩu hàng tiêu dùng.
Bên cạnh đó, từ năm 2014 đến nay, hàng hóa chuyển khẩu hàng tiêu dùng từ cảng Hải Phòng về ICD Mỹ Đình mới chiếm 1/3 công suất mà cảng này có thể đáp ứng được.
Chính vì vậy, để tạo thuận lợi hơn nữa, mở rộng đối tượng áp dụng cho các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận, đề xuất hướng tiếp theo của cơ quan Hải quan là kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục áp dụng cơ chế chuyển cửa khẩu đối với hàng hóa tiêu dùng từ cảng, cửa khẩu về cảng nội địa (ICD Mỹ Đình) thuộc Cục Hải quan Hà Nội từ ngày 1-1-2017.
Cụ thể, về phạm vi áp dụng sẽ kiến nghị mở rộng phạm vi các cửa khẩu được áp dụng cơ chế này ngoài cảng Hải Phòng để đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu tham gia của các doanh nghiệp. Cục Hải quan Hà Nội kiến nghị cho phép áp dụng với hàng đường biển từ cảng Hải Phòng, Quảng Ninh và hàng đường bộ từ Lạng Sơn, Quảng Ninh về ICD Mỹ Đình thuộc Cục Hải quan Hà Nội quản lý.
Về điều kiện doanh nghiệp, quy định hiện nay chỉ cho phép doanh nghiệp có trụ sở thuộc địa bàn Hà Nội hoặc có chi nhánh hay văn phòng đại diện tại Hà Nội và có thời gian hoạt động đủ 365 ngày mới thuộc đối tượng áp dụng cơ chế đặc thù. Quy định này đã làm hạn chế số lượng doanh nghiệp có nhu cầu muốn làm thủ tục tại Hà Nội. Cục Hải quan Hà Nội kiến nghị không giới hạn thời gian hoạt động XNK tối thiểu là 365 ngày tính đến ngày đăng ký tờ khai nhập khẩu đối với người khai hải quan.
Không giới hạn điều kiện doanh nghiệp có trụ sở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh trên địa bàn Hà Nội khi áp dụng thực hiện chuyển cửa khẩu hàng tiêu dùng về cảng nội địa thuộc Cục Hải quan Hà Nội. Bởi việc quản lý các doanh nghiệp này sẽ được cơ quan Hải quan áp dụng theo nguyên tắc quản lý rủi ro theo tinh thần của Luật Hải quan năm 2014.
Ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, những kiến nghị của Cục Hải quan Hà Nội về việc tiếp tục áp dụng cơ chế chuyển cửa khẩu với hàng hóa tiêu dùng từ cảng, cửa khẩu về ICD Mỹ Đình cũng nhận được sự đồng thuận của Cục Hải quan Hải Phòng và các doanh nghiệp tham gia cơ chế này. Trên thực tế, doanh nghiệp sẽ lựa chọn địa điểm làm thủ tục hải quan tại đơn vị hải quan nào mang lại hiệu quả cao nhất, tiết kiệm chi phí, thời gian.
Trên cơ sở những kiến nghị của các bên, Tổng cục Hải quan sẽ ghi nhận hoàn thiện dự thảo báo báo Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ theo định hướng sẽ mở rộng doanh nghiệp được thực hiện thủ tục hải quan ICD Mỹ Đình, mở rộng phạm vi các cửa khẩu được áp dụng cơ chế này; đồng thời đơn giản hóa thủ tục kiểm tra giám sát hải quan; xây dựng cơ chế phối hợp tốt hơn giữa Hải quan Hà Nội và các đơn vị Hải quan địa phương khác trong việc giám sát hàng hóa vận chuyển từ các cảng, cửa khẩu về ICD Mỹ Đình.
Trên cơ sở dự kiến kế hoạch triển khai cơ chế chuyển cửa khẩu hàng tiêu dùng trong giai đoạn tiếp theo, Tổng cục Hải quan sẽ đưa ra quy trình tạo thuận lợi nhưng vẫn phải đảm bảo quản lý, giảm sự can thiệp công chức hải quan.
Trước mắt, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ quan Hải quan sẽ dừng việc gắn seal định vị GPS, bởi Công ty Interserco đã trang bị thiết bị GPS để theo dõi quá trình vận chuyển hàng hóa; không gắn thiết bị GPS đối với mặt hàng ô tô nguyên chiếc, do hàng hóa rõ ràng, có tiêu chuẩn của nhà sản xuất và nhiều đơn vị quản lý trong và sau thông quan (Hải quan, Đăng kiểm, Thuế, Công an)…
Bên cạnh đó, quy trình thực hiện thủ tục hải quan sẽ được quy định rõ, giám sát thống nhất hàng hóa từ cảng, cửa khẩu về ICD Mỹ Đình để vừa thông quan nhanh cho doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng để kiểm soát chặt chẽ, chống buôn lậu và gian lận thương mại.