Giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phát triển và mở rộng thị trường

Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính)

(Tài chính) Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 trong điều kiện Chính phủ đang xây dựng và triển khai tái cấu trúc toàn diện nền kinh tế, việc thực hiện những giải pháp tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường có ý nghĩa rất quan trọng trong năm 2012.

Bước vào năm 2012, nền kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động của các DN nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng GDP quý I/2012 chỉ đạt 4%, quý II/2012 đạt 4,66%... So với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới giảm trên 10%, trong khi số DN tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn, đăng ký giải thể, phá sản và dừng hoạt động tăng gần 15%; các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, khả năng thanh toán… đều giảm, chi phí lãi vay tăng cao, nợ thuế của DN gia tăng.

Nhận định đúng hiện trạng sản xuất kinh doanh (SXKD) của DN và tình hình của thị trường, ngay từ đầu năm Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán NSNN năm 2012; tiếp đó là Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; đồng thời đã trình và được Quốc hội chấp thuận ban hành Nghị quyết số 29/2012/QH13 ngày 21/6/2012 về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, tổ chức kinh tế và cá nhân vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất.

Những giải pháp thuộc lĩnh vực tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN phát triển và mở rộng thị trường năm 2012 được sử dụng đồng bộ, được chia thành các nhóm giải pháp dưới đây:

Nhóm giải pháp về thuế và phí: Trong phạm vi thẩm quyền theo pháp luật, Chính phủ áp dụng biện pháp giãn thời hạn nộp thuế nhằm giúp DN giảm bớt căng thẳng về vốn, đó là:

(i) Gia hạn 06 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) của các tháng 4, 5 và 6/2012 đối với các DN đang nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế thuộc đối tượng DN nhỏ và vừa (DNNVV), DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.

(ii) Giảm 50% tiền thuê đất năm 2012 đối với tổ chức kinh tế, DN trong cả lĩnh vực sản xuất và thương mại, dịch vụ thuộc diện phải xác định lại đơn giá thuê đất theo Nghị định số 121/2010 của Chính phủ;

(iii) Gia hạn 09 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập DN (TNDN) từ năm 2011 trở về trước đối với DNNVV, DN sử dụng nhiều lao động thuộc các lĩnh vực nêu trên và mở rộng thêm đối với các DN sản xuất cơ khí là tư liệu sản xuất, vận tải thuỷ, sản xuất xi măng, với điều kiện DN có ý thức chấp hành pháp luật thuế tốt, thực sự có khó khăn;

(iv) Miễn thuế môn bài năm 2012 đối với các hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối;

(iv) Gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét xử lý cụ thể đối với từng dự án sau khi báo cáo Thường tực Hội đồng nhân dân cùng cấp;

Đối với việc miễn, giảm thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ đã trình Quốc hội các biện pháp: Một là, giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2012 cho DNNVV và DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến; Hai là, miễn thuế khoán (thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế TNDN trong năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khoá VIII đã ban hành Nghị quyết số 29/2012/QH13 về một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân. Theo đó, ngoài việc chấp thuận miễn, giảm thuế theo đề xuất của Chính phủ, Quốc hội còn bổ sung thêm việc miễn thuế TNCN trong 6 tháng cuối năm 2012 đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế TNCN ở bậc 1 của Biểu thuế luỹ tiến từng phần quy định tại Điều 22 của Luật thuế TNCN số 04/2007/QH12.

Nhóm giải pháp điều hành vĩ mô: Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để kiềm chế lạm phát, giảm mặt bằng lãi suất, ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; sử dụng linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ, bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán hợp lý; cơ cấu lại tín dụng, ưu tiên vốn phục vụ các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ… Thực hiện các biện pháp thích hợp để tiết kiệm chi, tăng thu NSNN, phấn đấu giảm bội chi NSNN 2012 xuống dưới 4,8% GDP. Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Nhóm giải pháp về chi tiêu công: Khẩn trương thực hiện phân bổ và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn và kinh phí các Chương trình mục tiêu quốc gia, rà soát ưu tiên phân bổ vốn đối ứng cho các dự án ODA theo tiến độ thực hiện. Bổ sung thêm nguồn huy động và cho vay đầu tư kiên cố hoá kênh mương, phát triển giao thông nông thôn và hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản và làng nghề nông thôn; Cho phép mua sắm đối với khoản kinh phí năm 2011 đã bố trí nguồn nhưng Chính phủ tạm dừng mua sắm năm 2011 và chuyển nguồn sang năm 2012. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, đảm bảo kịp thời, đúng chính sách chế độ, đúng đối tượng, đồng thời bám sát tình hình để chủ động đề xuất các chính sách mới trong khả năng cân đối ngân sách để hạn chế tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện, giá xăng dầu.

Nhóm giải pháp điều hành giá và thị trường: Tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành giá trên cơ sở kết hợp các biện pháp thanh tra, giám sát với kiểm tra thuế nhằm đảm bảo giá cả hàng hoá, đặc biệt là giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất...

Nhóm cải cách thủ tục hành chính thuế: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, giảm chi phí tuân thủ cho DN. Đó là: Rút ngắn thời gian làm thủ tục thông quan hàng hoá XNK; Đẩy mạnh áp dụng việc khai thuế điện tử qua mạng internet; Tiếp tục triển khai thu nộp thuế qua hệ thống ngân hàng… Các biện pháp trên được áp dụng khẩn trương, đồng bộ để phấn đấu giảm được 10-15% chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và người khai hải quan mà chủ yếu là DN.

Thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội về tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN phát triển và mở rộng thị trường năm 2012 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.  Ngành Tài chính đã gia hạn khoảng 11.000 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng các tháng 4, 5 và 6/2012 cho trên 190.280 DN; Đối với  thuế thu nhập DN: đã giải quyết gia hạn 2.868 tỷ đồng nợ thuế cho khoảng 70.300 DN, trong đó số nợ thuế  từ năm 2010 trở về trước chiếm gần 50%;  Đối với tiền thuê đất:  đã giải quyết giảm 50% tiền thuê đất năm 2012 cho trên 2.400 DN, với số tiền giảm là 250 tỷ đồng; Đối với thuế môn bài năm 2012 cho hộ đánh bắt hải sản và hộ làm muối: đã giải quyết miễn thuế và hoàn thuế (đối với các hộ đã thực hiện nộp thuế) khoảng 10 tỷ đồng cho 33.510 hộ. Qua thực tiễn kiểm tra cho các thấy chính sách hỗ trợ DN đã đi và đang phát huy tốt trong thực tế cuộc sống, minh chứng là trong tháng 6 và tháng 7/2012, đã có gần 2.000 DN ngừng hoạt động trước đó quay trở lại hoạt động và tổng doanh số khai thuế GTGT trong tháng 7/2012 tăng 5,3% so với tháng trước.

Bộ Tài chính đã trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép nâng mức tạm ứng thanh toán vốn cho các dự án đầu tư thuộc kế hoạch trong quý III/2012 và cho phép ứng trước kế hoạch vốn năm 2013, vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2013-2015, ban hành văn bản hướng dẫn các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước về việc quản lý thanh toán vốn đầu tư kế hoạch năm 2012. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản yêu cầu Kho bạc Nhà nước địa phương thực hiện tốt công tác kiểm soát chi đầu tư theo đúng nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau”, hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư trong việc hoàn tất các hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn; đẩy nhanh tiến độ giải ngân…

Những tháng đầu năm 2012 tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB từ NSNN và trái phiếu Chính phủ đạt thấp. Sau khi triển khai các giải pháp nêu trên, tình hình giải ngân vốn từ tháng 7 đã có chuyển biến tích cực hơn. Lũy kế 8 tháng đầu năm, vốn đầu tư từ NSNN giải ngân đạt khoảng 59,9% dự toán, vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân đạt khoảng 57,7% kế hoạch. Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1404/QĐ-BTC ngày 5/6/2012 về việc phân bổ 2.000 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn cho vay đầu tư cho việc đầu tư kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề ở nông thôn. Căn cứ mức phân bổ bổ sung nguồn vốn cho vay của Bộ Tài chính, đến nay tất cả các địa phương đã hoàn thành việc ký hợp đồng vay vốn tín dụng với Ngân hàng Phát triển Việt Nam.  Cùng với nguồn kế hoạch được giao đầu năm (3.000 tỷ đồng), tổng nguồn vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện Chương trình năm 2012 là 5.000 tỷ đồng. Tổng số vốn đã giải ngân đến nay khoảng 2.558 tỷ đồng, đạt 51,1% kế hoạch vốn năm 2012, góp phần phát triển hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Tính riêng trong gần 3 tháng (từ tháng 6 đến tháng 9/20120), Bộ Tài chính đã hoàn thành rất cơ bản các giải pháp về tài chính - NSNN đề ra trong Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ. Cùng với hệ thống các giải pháp khác (tiền tệ, thương mại...), các giải pháp tài chính - NSNN đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến bước đầu trong nền kinh tế, đáng chú ý là tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước (Quý I tăng 4%, Quý II tăng 4,66%, dự kiến Quý III tăng 5,5 – 5,6%; 9 tháng tăng khoảng 4,8 - 4,9%); chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng dần qua các tháng; kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức cao; chỉ số tồn kho đang từng bước giảm xuống...  cho thấy các giải pháp quyết liệt của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho các DN đang phát huy hiệu quả.