Giải pháp tạo thông thoáng cho hoạt động xuất, nhập khẩu
Quản lý tuân thủ trong lĩnh vực hải quan nhằm bảo đảm sự tuân thủ luật pháp quốc gia với quá trình liên quan đến xuất khẩu và nhập khẩu.
Đây là công cụ hữu hiệu giúp cơ quan hải quan giám sát, đánh giá được đầy đủ hoạt động của doanh nghiệp, áp dụng các biện pháp có tính chất ngăn chặn với các đối tượng không tuân thủ pháp luật.
Hiện nay, dưới áp lực ngày càng lớn từ các cam kết thương mại quốc tế, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong việc giảm thiểu thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan, tạo thông thoáng tối đa cho hoạt động xuất, nhập khẩu, cơ quan hải quan đang chú trọng hơn vào việc cải cách, hiện đại hóa phương thức quản lý để đáp ứng yêu cầu tạo thuận lợi thương mại, đồng thời đối phó những thách thức đang nổi lên ngày càng nhiều ngay tại cửa khẩu biên giới.
Quản lý tuân thủ dựa trên quản lý rủi ro chính là giải pháp tối ưu cho Hải quan Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề trên. Như trước đây, để kiểm soát sự tuân thủ, cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với tất cả các hoạt động, các giao dịch thương mại.
Nhưng hiện nay, việc kiểm soát này không còn phù hợp trong bối cảnh tính chất phức tạp và khối lượng thương mại quốc tế gia tăng, cùng với những tiến bộ về công nghệ.
Với nhiệm vụ của mình, ngành Hải quan phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thương mại trong khi vẫn phải duy trì kiểm soát đối với hàng hóa, người và phương tiện vận tải di chuyển quốc tế, nhất là cần hướng đến sự cân bằng lợi ích hợp lý giữa việc bảo đảm tuân thủ với việc giảm thiểu sự gián đoạn trong thương mại, giảm chi phí cho thương mại hợp pháp và giảm chi phí xã hội.
Điều này có thể đạt được khi áp dụng phương pháp quản lý tuân thủ dựa trên quản lý rủi ro, tích cực "định hướng" cộng đồng kinh doanh đến với việc tuân thủ tự nguyện (rủi ro thấp), để dành nguồn lực cho việc kiểm soát các đối tượng rủi ro cao.
Quản lý tuân thủ hiện đại dựa trên quản lý rủi ro được xây dựng trên một số yếu tố cơ bản, phân thành bốn nhóm chính bao gồm: khung pháp lý, quản lý rủi ro, quản lý hành chính và khung kỹ thuật công nghệ mà cơ quan hải quan sử dụng.
Theo đó, các khách hàng của hải quan được chia thành bốn nhóm chính là: khách hàng tự nguyện tuân thủ pháp luật; khách hàng luôn cố gắng tuân thủ nhưng không luôn đáp ứng được tuân thủ; khách hàng sẽ có xu hướng không tuân thủ nếu có cơ hội; khách hàng hoàn toàn không tuân thủ. Trong chiến lược quản lý tuân thủ hiệu quả dựa trên quản lý rủi ro sẽ xác định các đối tượng khách hàng và sẽ có cơ chế đối xử khác nhau.
Đối với những khách hàng tự nguyện tuân thủ (rủi ro thấp), nên được ưu đãi và áp dụng thủ tục đơn giản. Những khách hàng luôn cố gắng tuân thủ cần được hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể.
Những khách hàng luôn có xu hướng tránh né, không tuân thủ khi có cơ hội thì cần được hướng dẫn chi tiết; và những khách hàng hoàn toàn không tuân thủ (rủi ro cao) thì phải có các chế tài xử lý phù hợp. Yếu tố cốt lõi trong quản lý tuân thủ dựa trên quản lý rủi ro chính là chủ động “hướng” cộng đồng doanh nghiệp để họ được xếp vào loại rủi ro thấp.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, hiện nay có khoảng gần 60.000 doanh nghiệp thường xuyên có hoạt động xuất, nhập khẩu. Các doanh nghiệp tuân thủ sẽ được áp dụng các biện pháp tạo thuận lợi; đồng thời Hải quan sẽ áp dụng các chế độ quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt đối với doanh nghiệp không tuân thủ, nhằm chủ động phòng ngừa ngăn chặn, tiến tới giảm đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm pháp luật.
Qua đó, cộng đồng doanh nghiệp thấy được cơ chế quản lý công bằng, minh bạch của cơ quan hải quan. Việc áp dụng quản lý tuân thủ chuẩn mực sẽ giúp cho cơ quan hải quan tiết kiệm được nguồn lực khi thực hiện các thủ tục hải quan, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hải quan và đưa ra quyết định hành chính chính xác, hiệu quả. Nhất là sẽ tạo ra một sự cân bằng giữa tạo điều kiện thuận lợi và kiểm soát an toàn chuỗi dây chuyền cung ứng hàng hóa trong một chu kỳ phát triển mới.