Tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hoá giảm còn 5,36%
Thông tin trên được đại diện Cục Quản lý rủi ro (QLRR), Tổng Cục Hải quan cho biết tại buổi Họp báo chuyên đề về áp dụng quản lý tuân thủ đối với doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu (XNK) nhằm nâng năng lực cạnh tranh quốc gia tại Hà Nội.
Hướng cộng đồng kinh doanh tuân thủ tự nguyện
Theo Chiến lược về Hải quan trong Thế kỷ 21 của Tổ chức Hải quan thế giới, việc gia tăng khối lượng công việc ngày càng nhiều cả về chiều rộng lẫn chiều sâu sẽ buộc cơ quan Hải quan phải nghiên cứu và hiểu biết cặn kẽ hơn về tính liên tục của rủi ro và tập trung các nguồn lực hữu hạn của mình vào những mục tiêu hiệu quả hơn.
Cộng đồng DN tham gia tự nguyện tuân thủ ngày càng tăng về số lượng và chất lượng; năng lực tuân thủ của DN trong hoạt động hải quan ngày càng được nâng cao; Tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa từng bước được giảm thiểu đáng kể qua các năm, cụ thể: năm 2011, tỷ lệ kiểm tra thực tế là 12,62%, đến nay (2016) tỷ lệ này giảm còn 5,36%.
Trong tiến trình đồng hành với nền kinh tế hội nhập, Hải quan Việt Nam đã chịu sự tác động mạnh mẽ trước sự gia tăng về số lượng cũng như sự thay đổi tốc độ di chuyển cực kỳ nhanh chóng của dòng chảy hàng hoá, phương tiện, hành khách qua lại cửa khẩu biên giới Việt Nam.
Điều này đã đặt ra những yêu cầu cho việc điều chỉnh cách thức quản lý và phương pháp thực thi nhiệm vụ của cơ quan Hải quan.
Cùng với đó, áp lực ngày càng lớn từ các cam kết thương mại quốc tế, Chính phủ và cộng đồng DN trong việc giảm thiểu thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan, tạo thông thoáng tối đa cho các hoạt động XNK, xuất nhập cảnh, đòi hỏi cơ quan hải quan ngày càng phải chú trọng hơn vào việc cải cách, hiện đại hóa về phương thức quản lý để đáp ứng yêu cầu tạo thuận lợi thương mại đồng thời đối phó với những thách thức đang nổi lên ngày càng nhiều ngay tại cửa khẩu biên giới.
Ứng phó với tình hình trên, năm 2016, Hải quan Việt Nam đã áp dụng QLRR trong thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại, "định hướng" cộng đồng kinh doanh đến với việc tuân thủ tự nguyện (rủi ro thấp). Phương pháp này được xây dựng trên một số yếu tố cơ bản: khung pháp lý, QLRR, quản lý hành chính và khung kỹ thuật công nghệ mà cơ quan hải quan sử dụng.
Để quản lý tuân thủ đối với gần 60.000 DN thường xuyên có hoạt động XNK, cơ quan hải quan đã phải tổ chức quản lý hệ thống thông tin về DN, hoạt động của DN cũng như quá trình chấp hành pháp luật của DN. Hàng năm, ngành Hải quan phân cấp nhiệm vụ cho các đơn vị có trách nhiệm thu thập, cập nhật bổ sung các thông tin mới về DN vào hồ sơ DN.
Việc thu thập thông tin này được thực hiện dựa trên nhu cầu thông tin phục vụ đánh giá tuân thủ và phân loại rủi ro DN. Cơ quan hải quan hiện thực hiện việc đánh giá phân loại theo 03 nhóm DN: DN ưu tiên; DN tuân thủ; DN không tuân thủ.
Cùng với việc đánh giá phân loại, cơ quan hải quan còn chủ động, tích cực phát triển quan hệ đối tác và thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá rủi ro về tình hình hoạt động và chấp hành pháp luật của DN; tổng hợp, kiến nghị điều chỉnh các chế độ, chính sách, quy trình thủ tục, chế độ ưu tiên cũng như cơ chế đánh giá tuân thủ, phân loại rủi ro đối với DN hoạt động XNK…
Tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa từng bước được giảm thiểu
Với sự chủ động tích cực trong việc tiếp cận, áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại, cùng với nỗ lực cải cách, hiện đại hóa trong quản lý hải quan, thời gian qua, ngành Hải quan đã đạt được những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực này. Cụ thể là đã xây dựng được một môi trường tuân thủ trong hoạt động hải quan với hành lang pháp lý được thiết lập khá đầy đủ và minh bạch;
Công tác quản lý, đánh giá tuân thủ DN của ngành Hải quan từng bước được chuyên nghiệp và chuyên sâu; qua đó giúp cho việc đánh giá, phân loại DN được chính xác, tạo cơ sở cho việc áp dụng chính sách tuân thủ một cách công bằng và khách quan;
Cộng đồng DN tham gia tự nguyện tuân thủ ngày càng tăng về số lượng và chất lượng; năng lực tuân thủ của DN trong hoạt động hải quan ngày càng được nâng cao; Tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa từng bước được giảm thiểu đáng kể qua các năm, cụ thể: năm 2011, tỷ lệ kiểm tra thực tế là 12,62%, đến nay (2016) tỷ lệ này giảm còn 5,36%.
Một số đề xuất và kiến nghị
Đối với Bộ Tài chính: Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý tuân thủ DN theo hướng khuyến khích tạo thuận lợi cho DN tuân thủ, kiểm soát chặt chẽ đối với DN không tuân thủ, tạo ra môi trường lành mạnh, an toàn cho các DN cùng phát triển;
Đồng thời, rà soát các vấn đề DN kiến nghị về quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh để xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng khuyến khích quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh;
Kịp thời báo cáo trình Chính phủ các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai cơ chế một cửa giai đoạn 2016-2020; Củng cố và triển khai mở rộng ra toàn quốc với các thủ tục hành chính đã kết nối chính thức thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia;
Đặc biệt là chủ động phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực hải quan; Nghiên cứu xây dựng quy trình luân chuyển hồ sơ giữa cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính và các bộ, ban, ngành có liên quan;
Đối với Tổng cục Hải quan: Nâng cấp và đồng bộ hóa hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý hải quan nói chung và công tác QLRR, quản lý tuân thủ nói riêng nhằm hướng đến sự nhanh chóng, minh bạch trong quản lý hải quan. Cùng với đó, tạo lập và kết nối nhiều kênh hỗ trợ DN nâng cao năng lực tuân thủ pháp luật. Trong đó tập trung vào các nội dung sau:
- Thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với DN về tình trạng tuân thủ pháp luật của DN, từ đó xác định những vấn đề mà DN cần điều chỉnh để duy trì trạng thái tuân thủ hoặc cải tiến để chuyển thành trạng thái tuân thủ, nhằm đạt được những ưu đãi dành cho DN tuân thủ;
- Thường xuyên tổ chức các chương trình hướng dẫn, tập huấn thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hải quan, nhằm giúp DN nắm vững các quy định, quy trình thủ tục, giảm rủi ro vi phạm pháp luật về hải quan;
- Sẵn sàng hỗ trợ DN đánh giá, đo lường mức độ tuân thủ pháp luật của DN để cải thiện hiệu quả kiểm soát nội bộ DN; Cung cấp các thông tin, cảnh báo các rủi ro liên quan đến việc tuân thủ pháp luật của DN; Tiếp nhận và xử lý kịp thời các vướng mắc của DN trong thực hiện thủ tục hải quan.
Đối với cộng đồng DN: Chủ động liên hệ và thường xuyên cung cấp đầy đủ thông tin hồ sơ cho cơ quan hải quan, phục vụ đánh giá chính xác mức độ tuân thủ pháp luật của DN, từ đó có biện pháp nâng cao chất lượng quản lý và cải thiện mức độ tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế;
Cụ thể, nâng cao năng lực tuân thủ của DN bằng cách tích cực tham gia các chương trình tập tuấn, tuyên truyền, hội thảo của cơ quan hải quan để tìm hiểu, nắm vững, dẫn đến thực hiện đúng quy định của pháp luật trong quản lý hải quan.
Chủ động và tự nguyện hợp tác đầy đủ với cơ quan hải quan trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan…