Giải pháp thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài
Kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực (1988), đến nay khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã khẳng định được vị trí của mình và trở thành một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Kể từ khi Luật đầu tư trực tiếp nước ngoài có hiệu lực (năm 1988), dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã trở thành động lực quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Cụ thể, trong giai đoạn 2001-2006 đóng góp của FDI chiếm khoảng 16% tổng vốn đầu tư xã hội; giai đoạn 2007-2014, với sự gia tăng đáng kể về vốn giải ngân, khu vực FDI có sự cải thiện về đóng góp. Từ năm 2007 cho đến 2012, vốn FDI luôn chiếm tỷ trọng từ 21-30% trong tổng vốn đầu tư phát triển xã hội.
Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, dòng vốn FDI vào Việt Nam không chỉ tăng về lượng (vốn đầu tư) mà còn tăng cả về chất (chiều sâu đầu tư) thông qua sự góp mặt của các nước: Brunei, Hoa Kỳ, Canada, Hàn Quốc... với số vốn đăng ký cấp mới đạt trên 1 tỷ USD. Tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2015, đã có một số dự án lớn được cấp phép như:
- Dự án Công ty SamSung Display Việt Nam với số vốn đầu tư tăng thêm là 3 tỷ USD. Dự án này được cấp phép năm 2014 với số vốn đầu ban đầu là 1 tỷ USD;
- Dự án Công ty TNHH liên doanh thành phố Đế Vương tổng vốn đầu tư là 1,2 tỷ USD do Công ty cổ phần bất động sản Tiến Phước và Công ty TNHH bất động sản Trần Thái Liên doanh với nhà đầu tư Denver Power Ltd - Vương quốc Anh dự án đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh vào hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
- Dự án Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai có tổng vốn đầu tư 660 triệu USD do nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư tại Khu công nghiệp Đồng Nai với mục tiêu sản xuất và gia công các loại sợi.
- Dự án Cty TNHH Worldon (Việt Nam) tổng vốn đầu tư 300 triệu USD do nhà đầu tư BritishVirgin Islands đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh với mục tiêu sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp.
Thống kê của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, khu vực kinh tế FDI thời gian qua luôn phát triển năng động. Tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2015, các dự án FDI đã giải ngân được 8,5 tỷ USD, tăng 7,6% với cùng kỳ năm 2014; Xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 74,6 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 70,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; Nhập khẩu của khu vực FDI đạt 65,22 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 59,4% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2015, khu vực FDI xuất siêu 9,38 tỷ USD.
Về tiến độ giải ngân của nguồn vốn FDI cũng được ghi nhận cụ thể qua các giai đoạn như sau:
i) Giai đoạn 2000-2005 có giá trị đăng ký FDI thấp nhưng tỷ trọng giải ngân khá cao (69%).
ii) Giai đoạn 2006-2008 có mức đăng ký FDI cao, giá trị giải ngân tuyệt đối cũng cao nhưng tỷ trọng giải ngân so với đăng ký lại rất thấp (25%). Nguyên nhân là do trong giai đoạn 2000-2005, Việt Nam đang tích cực thực hiện chính sách thu hút FDI, mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, nên FDI chủ yếu tập trung vào các ngành thương nghiệp, công nghiệp nhẹ.
iii) Giai đoạn 2006-2008, Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO, lượng vốn đăng ký tăng rất cao nhưng lại tập trung nhiều vào các ngành công nghiệp như xi măng, sắt thép, khiến thời gian triển khai dự án dài, giải ngân chậm.
iv) Giai đoạn từ 2008 đến nay, do nhiều nguyên nhân nội tại (như vấn đề đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng...) cũng như những nguyên nhân bên ngoài (như cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ, thay đổi trong danh mục đầu...), nên mặc dù vốn FDI cam kết đầu tư cao song tốc độ giải ngân lại rất thấp.
Những kết quả nêu trên cho thấy, công tác quản lý Nhà nước về hoạt động của khu vực FDI đã và đang dần đi vào chiều sâu, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Cơ quan trong quản lý nguồn lực FDI các cấp; hoạt động xúc tiến đầu tư cũng đã có nhiều đổi mới về phương thức và nâng cao chất lượng, qua đó góp phần không nhỏ trong việc thu hút nguồn vốn FDI.
Tuy nhiên, nhìn chung hoạt động quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn FDI ở Việt Nam hiện còn tồn tại khá nhiều hạn chế, do thiếu tính thống nhất trong các văn bản pháp quy và minh bạch trong điều hành của cơ quan nhà nước...
Để “nắn” dòng vốn FDI cũng như quản lý hiệu quả nguồn lực FDI, hỗ trợ tốt nhất cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước đề ra trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, năm 2014 Quốc hội Việt Nam đã quyết định chỉnh sửa, bổ sung và thông qua Luật Đầu tư mới, cho phép doanh nghiệp có vốn FDI từng bước được hưởng những ưu đãi như các doanh nghiệp trong nước.
Theo đó, doanh nghiệp FDI được hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế thu đất đối với doanh nghiệp có vốn FDI sử dụng lao động địa phương và đạt tỷ lệ nhất định về sản phẩm xuất khẩu...
Bên cạnh đó, chính quyền trung ương và các địa phương cũng nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp có vốn FDI trong việc đào tạo công nhân địa phương, nhằm khuyến khích doanh nghiệp ưu tiên sử dụng lao động địa phương. Các cơ quan ban ngành liên quan thì định kỳ tổ chức triển lãm và hội thảo chuyên đề, mở rộng sự liên hệ của doanh nghiệp địa phương với thị trường bên ngoài, giúp doanh nghiệp FDI tìm kiếm cơ hội thương mại.
Các tỉnh/thành căn cứ theo ưu thế đặc thù, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế, kêu gọi vốn đầu tư, tập trung giới thiệu chính sách ưu đãi thu hút vốn FDI của các tỉnh/thành phố.
Giải pháp thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực FDI
Để đáp ứng hơn nữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới; đặc biệt là để thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng, Việt Nam cần phải sớm thực hiện một số biện pháp sau:
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế đã cam kết, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, để thu hút nguồn lực của các thành phần kinh tế, cả trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Phát triển đồng bộ và quản lý có hiệu quả các loại thị trường (bất động sản, vốn, dịch vụ, lao động, khoa học công nghệ)...
Thứ hai, tiếp tục cải cách hành chính hơn nữa theo cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục đầu tư. Xử lý kịp thời vướng mắc trong vấn đề cấp phép điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ công chức nhằm dảm bảo thực hiện theo quy định tại Luật Đầu tư và quy định mới về phân cấp quản lý đầu tư FDI.
Thứ ba, tập trung các nguồn lực để đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, cảng biển… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình tiến hành hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Thứ tư, Nhà nước cần đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát đối với các doanh nghiệp có vốn FDI nhằm đảm bảo sự công bằng cho các doanh nghiệp trong nước và giữ vững mối quan hệ thân thiện với các nước đầu tư. Đặc biệt, cần tạo được một hành lang pháp lý thống nhất, đảm bảo việc quản lý có hiệu quả đối với mọi thành phần doanh nghiệp...