Giải pháp thúc đẩy người dân Đồng Bằng Sông Cửu Long tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Nguyễn Công Chánh, Nguyễn Hồng Hà, Đinh Phi Hổ

Nghiên cứu này được thực hiện bằng phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp từ Bảo hiểm Xã hội các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2018-2022. Kết quả nghiên cứu đã đánh giá được thực trạng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của người dân thời gian qua. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất các hàm ý chính sách nhằm thúc đẩy người dân Đồng Bằng Sông Cửu Long tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thời gian tới.

Giới thiệu

Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) của Việt Nam, một yếu tố then chốt trong hệ thống an sinh xã hội, ngày càng nhận được sự quan tâm từ Đảng và Nhà nước, đóng vai trò là mục tiêu và động lực cho sự phát triển bền vững. Điều này cũng phản ánh tính chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Với những tiến bộ đã đạt được, chính sách BHXH hiện đại của Việt Nam đang giải quyết các rủi ro xã hội thông qua việc phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục, phù hợp với điều kiện quốc gia và xu hướng tiến bộ toàn cầu.

Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH đã đặt nền móng cho việc cải thiện an sinh xã hội và tăng cường khả năng thực hiện chính sách của các cơ quan, với sự đóng góp của hệ thống chính trị và cộng đồng, nhất là giới trẻ. Điều này giúp giảm áp lực tài chính cho Nhà nước và góp phần vào sự ổn định lâu dài.

Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, có lực lượng lao động dồi dào nhưng còn nhiều khó khăn kinh tế. Trong hơn 10 năm qua, chỉ có 83.313 người, tương đương 0,48% dân số và 0,82% lực lượng lao động, tham gia BHXH tự nguyện (BHXHTN). Tỷ lệ tham gia còn thấp, phần lớn người tham gia là cán bộ không chuyên trách và người dân được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, cùng một số ít người đóng đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Số lượng tham gia hiện tại không tương xứng với tiềm năng lao động của khu vực.

Mặc dù có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Đảng và Nhà nước cùng với sự lãnh đạo của các cấp chính quyền địa phương trong việc khuyến khích tham gia BHXHTN nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra về mức độ chấp nhận, hiểu biết và sự hài lòng của người dân đối với chính sách này. Vì vậy, việc nghiên cứu giải pháp triển khai BHXHTN tại ĐBSCL là rất cần thiết.

Thực trạng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long

Tình hình tham gia bảo hiểm xã hội tại Đồng bằng Sông Cửu Long

Trong thời gian gần đây, ngành BHXH ở các tỉnh ĐBSCL đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền về chính sách BHXH đối với người lao động. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ từ các ngành, cấp, doanh nghiệp và những người có lòng hảo tâm để hỗ trợ BHXH cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn. Song song với đó, việc áp dụng công nghệ thông tin được tăng cường, các thủ tục hành chính được đơn giản hóa, thời gian giải quyết thủ tục được rút ngắn… nhằm phục vụ người tham gia BHXH một cách tốt nhất.

Bảng 1: Tình hình tham gia BHXH tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long Nguồn: Báo cáo của BHXH các tỉnh ĐBSCL (BHXH Việt Nam, 2023)
Bảng 1: Tình hình tham gia BHXH tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long Nguồn: Báo cáo của BHXH các tỉnh ĐBSCL (BHXH Việt Nam, 2023)
Hình 1: Tình hình tham gia BHXH của các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu LongNguồn: Báo cáo của BHXH các tỉnh ĐBSCL, 2023
Hình 1: Tình hình tham gia BHXH của các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long
Nguồn: Báo cáo của BHXH các tỉnh ĐBSCL, 2023

Dựa trên số liệu thống kê trong hình 1, có thể thấy rằng sự tham gia BHXH ở các tỉnh ĐBSCL trong giai đoạn 2018 – 2022 có xu hướng tăng, nhưng số lượng người tham gia và mức độ tăng không quá đáng chú ý. Năm 2018, khu vực này có 1.449.689 người tham gia BHXH, chiếm tỷ lệ 14,1%, đến năm 2020 có 1.639.760 người tham gia BHXH, chiếm tỷ lệ 16,39% và đến năm 2022 tỷ lệ này tăng lên 17,99%, tương ứng có 1.751.699 người tham gia BHXH. Chính sách BHXHTN được áp dụng từ ngày 01/01/2008, là một chính sách ưu đãi và đầy tính nhân văn cho lao động tự do làm việc ở khu vực phi chính thức, cho phép họ tham gia và hưởng chế độ lương hưu khi hết tuổi lao động. Chính sách BHXHTN đã mở rộng về đối tượng tham gia, phương thức đóng, mức đóng và chế độ hưởng. Do đó, BHXHTN đã được triển khai rộng rãi trên các nước nói chung và các tỉnh ĐBSCL nói riêng.

Tình hình tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Đồng bằng Sông Cửu Long

Bảng 2: Tình hình tham gia BHXHTN tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long Nguồn: Báo cáo của BHXH các tỉnh ĐBSCL (BHXH Việt Nam, 2023)
Bảng 2: Tình hình tham gia BHXHTN tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long
Nguồn: Báo cáo của BHXH các tỉnh ĐBSCL (BHXH Việt Nam, 2023)

Các số liệu thống kê cho thấy, số người tham gia BHXH bắt buộc và BHXHTN ở các tỉnh ĐBSCL trong giai đoạn 2018 – 2022 có xu hướng tăng lên theo từng năm. Tuy nhiên, trong khi số người tham gia BHXH bắt buộc tăng không đáng kể thì số người tham gia BHXHTN lại tăng mạnh trong giai đoạn này. Cụ thể, năm 2018, số người tham gia BHXH bắt buộc đạt 1.145.522 người, chiếm tỷ lệ 97,64%, trong khi số người tham gia BHXHTN đạt 34.167 người, chiếm tỷ lệ 2,36%. Đến năm 2020, số người tham gia BHXH bắt buộc đạt 1.430.828 người, chiếm tỷ lệ 87,26% và số người tham gia BHXHTN đạt 208.932 người, chiếm tỷ lệ 12,74% so với tổng số người tham gia BHXH.

Hình 2: So sánh tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc và BHXH TN của các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Nguồn: Báo cáo của BHXH các tỉnh ĐBSCL
Hình 2: So sánh tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc và BHXH TN của các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Nguồn: Báo cáo của BHXH các tỉnh ĐBSCL
Hình 3: Số lượng tham gia BHXHTN theo tỉnh năm 2022 Nguồn: Báo cáo của BHXH các tỉnh ĐBSCL
Hình 3: Số lượng tham gia BHXHTN theo tỉnh năm 2022
Nguồn: Báo cáo của BHXH các tỉnh ĐBSCL

Thực trạng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Đồng bằng Sông Cửu Long

Tỷ lệ người tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện trong tổng số người tham gia BHXH cho thấy, tỷ lệ người tham gia BHXH bắt buộc có xu hướng giảm, trong khi tỷ lệ người tham gia BHXHTN có xu hướng tăng. Kết quả thống kê cho thấy, tại ĐBSCL năm 2018 có 34.167 người tham gia, chiếm 2,36% trong tổng số người tham gia BHXH; năm 2019 số người tham gia BHXHTN đạt 5,33% so với tổng số người tham gia BHXH; đến năm 2021 tăng lên 255.366 người, chiếm tỷ lệ 15,49% trong tổng số người tham gia BHXH. Tuy nhiên, năm 2022 tỷ lệ tham gia BHXHTN giảm xuống còn 13,09%.

Kết quả thống kê cho thấy, tỷ lệ tham gia BHXHTN so với tổng số lao động thuộc diện tham gia có tăng lên hàng năm, tuy nhiên tỷ lệ tham gia vẫn còn rất thấp. Tỷ lệ tham gia BHXHTN so với tổng số lao động thuộc diện đối tượng ở khu vực ĐBSCL đạt 0,39% vào năm 2018 và tăng lên 0,99% vào năm 2019. Năm 2021, tỷ lệ này tăng lên 3,04%, tuy nhiên năm 2022 giảm xuống còn 2,87%. Một trong những nguyên nhân giảm tỷ lệ tham gia BHXHTN nêu trên đến từ việc thay đổi chính sách BHXHTN. Từ ngày 1/1/2022, mức đóng BHXHTN tối thiểu được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi. Điều này khiến nhiều người đang tham gia và có ý định tham gia BHXHTN băn khoăn, lo lắng. Đồng thời, cũng đặt ra cho ngành BHXH nhiều thách thức để tiếp tục duy trì và mở rộng tỷ lệ người tham gia BHXHTN trên địa bàn.

Khi xem xét theo từng tỉnh, kết quả thống kê cho thấy, số người tham gia BHXHTN ở các tỉnh ĐBSCL trong giai đoạn 2018 – 2022 đều có xu hướng tăng lên hàng năm, đặc biệt là tăng đáng kể từ năm 2020 và năm 2021. Số lượng người tham gia BHXHTN vào năm 2022 ở hầu hết các tỉnh đều giảm so với năm 2021, chỉ có các tỉnh Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Trà Vinh có số lượng tham gia tăng, nhưng mức tăng không quá lớn. Kết quả thống kê cũng cho thấy, số lượng người tham gia BHXH ở tỉnh Cà Mau vào năm 2022 là cao nhất với 23.351 người, tiếp theo là thành phố Cần Thơ với 22.732 người tham gia. Tỉnh có số người tham gia BHXHTN thấp nhất trong khu vực ĐBSCL là Bạc Liêu với 10.026 người, sau đó là tỉnh Bến Tre với 11.163 người tham gia.

Trong số các mức đóng BHXHTN, mức đóng từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng chiếm tỷ lệ lớn nhất, trong khi mức đóng từ 4.000.000 đồng trở lên chiếm tỷ lệ nhỏ. Kết quả thống kê cho thấy, số người tham gia đóng BHXHTN năm 2022 ở các tỉnh ĐBSCL ở mức từ 1.000.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng chiếm tỷ lệ 51,79%; mức đóng từ 2.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng chiếm tỷ lệ 27,66%; trong khi mức đóng BHXHTN từ 4.000.000 đồng trở lên chiếm tỷ lệ 6,30%.

Đánh giá chung

Nhìn chung, tỷ lệ tham gia BHXHTN ở khu vực ĐBSCL vẫn còn thấp, nguyên nhân chủ yếu là do sự hiểu biết về BHXH TN của một số người dân còn giới hạn, chưa quen với việc “đóng trước”, và tinh thần cộng đồng chưa cao. Một số người dân muốn tham gia nhưng lại gặp rắc rối về kinh tế, thu nhập thấp khiến họ chưa có khả năng tham gia BHXHTN.

Cơ chế chính sách hiện hành chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích người tham gia. Tỷ lệ tham gia thấp như vậy không đảm bảo nguyên tắc bù trừ, chia sẻ, tương trợ lẫn nhau và đảm bảo cân đối nguồn quỹ BHXH. Thực trạng này cho thấy, với cơ chế tự nguyện, sự tự giác của người dân trong việc tham gia BHXHTN còn rất hạn chế.

Giải pháp thúc đẩy người dân Đồng bằng Sông Cửu Long tham gia bảo hiểm tự nguyện

Cải thiện thái độ của người dân đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện

Niềm tin của người dân vào lợi ích từ việc tham gia BHXHTN là yếu tố cốt lõi để họ có ý định và quyết tâm tham gia. Sự hiểu biết về chính sách, quyền lợi và trách nhiệm liên quan đến BHXHTN là biểu hiện của niềm tin này. Để tăng cường niềm tin và thúc đẩy sự tham gia, các biện pháp sau đây cần được triển khai:

Cơ quan BHXH tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để đẩy mạnh công tác thông tin và tuyên truyền đến mọi nhóm đối tượng. Cần đa dạng hóa các phương thức tiếp cận như truyền thanh cấp phường, xã, sử dụng pano, áp phích, tờ rơi để nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của BHXHTN.

Khuyến khích cán bộ công chức, viên chức làm gương trong việc tham gia BHXHTN, đồng thời vận động các thành viên trong gia đình tham gia, qua đó góp phần thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về cải thiện tỷ lệ tham gia BHXHTN.

Thực hiện tốt các khâu đánh giá sự phản hồi của xã hội

BHXH phối hợp với cơ quan quản lý địa phương để nâng cao hiệu quả công tác quảng bá về chương trình Bảo hiểm Xã hội tự nguyện; Đề xuất các biện pháp động viên, tôn vinh những cá nhân có đóng góp nổi bật trong việc quảng bá chương trình trong cộng đồng và gia đình; Phát triển và mở rộng các mô hình điển hình, cách thức hiệu quả để áp dụng rộng rãi.

Bên cạnh đó, bảo đảm nguồn ngân sách quốc gia đáp ứng được việc hỗ trợ tài chính cho các đối tượng tham gia, bao gồm 30% cho hộ nghèo, 25% cho hộ cận nghèo và 10% cho bộ phận dân cư khác; Kêu gọi sự đóng góp từ cộng đồng và các nhà hảo tâm để hỗ trợ những người mong muốn tham gia nhưng còn hạn chế về tài chính. BHXH cũng nên chủ động đề xuất với cơ quan có thẩm quyền và liên quan để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc mở rộng đối tượng tham gia một cách bền vững và hiệu quả.

BHXHTN có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là cho những người không có công việc ổn định hoặc không có hợp đồng lao động. Mặc dù vậy, nhận thức về chương trình này vẫn còn hạn chế ở nhiều khu vực, từ đô thị đến nông thôn, miền núi, và các vùng sâu, vùng xa. Vì thế, BHXH cần đa dạng hóa phương thức quảng bá để mở rộng sự hiểu biết và nhận thức về chương trình.

Cải thiện thái độ của người dân đối với bảo hiểm xã hội

Tăng cường tuyên truyền: Cần mở rộng hoạt động tuyên truyền để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc đóng góp vào BHXHTN như một phần của hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt là đối với nhóm nông dân và lao động phổ thông. Điều này giúp họ hiểu rằng tham gia BHXH không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là sự đóng góp cho cộng đồng.

Nâng cao nhận thức về chính sách BHXHTN: Cần phổ biến thông tin về chính sách BHXHTN để mọi người hiểu rõ lợi ích và ý nghĩa của việc tham gia, từ đó tạo sự đồng thuận và giảm bớt áp lực lên ngân sách nhà nước trong việc chăm sóc người cao tuổi.

Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội: Cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và các cấp chính quyền trong việc triển khai chính sách BHXHTN, cũng như vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội, nhằm đảm bảo việc thực hiện chính sách một cách hiệu quả.

Tăng cường sự tin tưởng của người dân đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện

Người dân thể hiện sự đánh giá cao đối với BHXHTN qua việc họ nắm rõ các quy định và lợi ích từ chương trình này. Sự am hiểu về cách triển khai và quản lý của cán bộ BHXH cũng như hệ thống BHXH toàn quốc là yếu tố quan trọng. Để tiếp tục phát triển BHXHTN, BHXH ở các tỉnh ĐBSCL và BHXH Việt Nam cần tập trung vào các biện pháp sau: Tăng cường quản lý nhà nước về BHXHTN: Các cơ quan BHXH cần tư vấn cho BHXH Việt Nam trong việc đề xuất sửa đổi và bổ sung các quy định pháp luật, cải thiện sự tuân thủ pháp luật. Cần cải thiện cơ cấu tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của BHXH, đồng thời mở rộng việc sử dụng công nghệ thông tin để quản lý dữ liệu một cách hiệu quả và minh bạch.

Điều chỉnh chính sách BHXHTN: Cần phân tích thực tiễn từng địa phương để đề xuất các điều chỉnh chính sách BHXHTN cho phù hợp, như việc giảm thời gian đóng BHXHTN và mở rộng các chế độ lợi ích cho người tham gia. Cần cải thiện quyền lợi cho người tham gia BHXHTN so với BHXH bắt buộc, nhằm tạo động lực cho nhiều người, đặc biệt là lao động trẻ, tham gia.

Tài liệu tham khảo

  1. Ban Chấp hành Trung ương (2012). Nghị quyết số: 21-NQ/TW, Nghị quyết của bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác BHXH, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2020;
  2. Ban chấp hành Trung ương (2018). Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XII về cải cách chính sách BHXH;
  3. Chính phủ (2015). Nghị định số 134/2015/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của luật bảo hiểm xã hội về BHXHTN;
  4. BHXH Việt Nam (2023). BHXH Việt Nam: Kiên định, vượt khó hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ. https://baohiemxahoi.gov.vn/tintuc/Pages/hoat-dong-he-thong-bao-hiem-xa-hoi.aspx?.
  5. Phan Khoa Cương và cộng sự (2019). Phát triển BHXHTN trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tạp chí Tài chính. https://tapchitaichinh.vn.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2024