Mở rộng, phát triển thị trường nội địa:
Giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa
Việc triển khai đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được các cấp chính quyền, ban ngành… của tỉnh Phú Yên đẩy mạnh trong thời gian qua, nhằm thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường và cải thiện đời sống người dân.
Hỗ trợ phát triển thị trường
Theo Sở Công thương tỉnh Phú Yên, việc phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường bán lẻ, phân phối hàng hóa khắp các khu vực dân cư luôn được Bộ Công Thương, UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo triển khai trong suốt những năm qua.
Từ đó, những kế hoạch, chương trình triển khai thực tế như: xúc tiến thương mại nội địa, đưa hàng Việt về nông thôn, khuyến mại, kết nối cung cầu, hỗ trợ tổ chức hội chợ, triển lãm… được Sở Công Thương phối hợp thực hiện thường xuyên. Công tác tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân biết, quan tâm đến các hoạt động liên quan, giúp cho việc tiêu thụ hàng hóa trong nước ngày càng thuận lợi, tăng về nhu cầu, số lượng cũng không ngừng được đẩy mạnh.
Cụ thể, trong những đợt đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh do Sở Công thương và doanh nghiệp tổ chức, hàng hóa được các đơn vị tham gia cung ứng đa dạng, đảm bảo nhu cầu của nhân dân. Hàng năm, sở phối hợp tổ chức 2-3 hội chợ, mỗi hội chợ thu hút sự tham gia 35.000 - 40.000 lượt khách đến tham quan mua sắm, đạt doanh số bán hàng khá cao. Mặt khác, để kích cầu tiêu thụ, thu hút người tiêu dùng trong tỉnh, hoạt động khuyến mại cũng được triển khai sôi động, tập trung vào các ngày lễ, tết.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Bích - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Phú Yên, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, phát triển thị trường nội địa, ngoài những hoạt động trên, Sở Công thương còn tăng cường tổ chức kết nối giao thương, kích cầu tiêu dùng với các tỉnh, thành trong cả nước, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu...
Đơn vị cũng hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng giải pháp bán hàng trực tuyến, quảng bá thương hiệu trực tuyến. Đơn cử như việc hỗ trợ 17 doanh nghiệp với 71 sản phẩm tham gia chương trình “Ngày hội trải nghiệm số và kết nối thương mại tỉnh Phú Yên năm 2020”, hay cập nhật thông tin doanh nghiệp, hình ảnh sản phẩm trên Sàn thương mại điện tử tỉnh, kết nối để doanh nghiệp tham gia Ngày mua sắm trực tuyến trên onlinefriday.vn...
Xác định ưu thế của thị trường nội địa, ngành Công thương đã vận động, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước nói chung, Phú Yên nói riêng tìm cách kích cầu, mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm… để hàng hóa của doanh nghiệp ngày càng đến gần với người dân. Ngành đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn xây dựng kế hoạch, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên đề; tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho doanh nghiệp trong tỉnh.
Ông Phan Văn Thanh - chuyên viên Phòng Kế hoạch - Kinh doanh của một doanh nghiệp phân phối hàng tiêu dùng ở TP. Tuy Hòa, cho biết: Doanh nghiệp chúng tôi chủ yếu liên kết với các nhà sản xuất trong và ngoài tỉnh cung ứng hàng tiêu dùng cho người dân các địa phương. Khi mới gia nhập, chúng tôi chưa thể nắm bắt hết các vấn đề thị trường cũng như nhu cầu thực chất của người dân, kỹ năng bán hàng...
Sau khi tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, chúng tôi hiểu hơn và có thể vận dụng, nghiên cứu, phát triển thị trường, tạo sự chuyển biến trong hoạt động phân phối hàng hóa của doanh nghiệp.
Chú trọng xây dựng điểm bán hàng cố định
Một trong những công tác được ngành Công thương quan tâm khi triển khai đề án “Phát triển thị trường trong nước là tuyên truyền, phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững. Thực hiện công tác này, đơn vị đã lựa chọn, xây dựng mô hình Điểm bán hàng Việt cố định; vận động các cơ sở đầu tư mới, mở rộng quy mô đối với các cửa hàng tiện lợi hiện có...
Tính đến nay, từ nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương, ngành Công thương đã hỗ trợ xây dựng 37 điểm bán hàng Việt cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” và 48 cửa hàng tiện lợi tại các địa phương; đồng thời hỗ trợ tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông để người dân biết về điểm bán; tạo kênh bán lẻ hàng Việt chất lượng, giá cả hợp lý ở khắp các địa bàn.
Bà Phạm Thị Kim Thoa, chủ điểm bán hàng Việt cố định Sơn Thoa (thôn Thống Nhất, xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa) chia sẻ: Người dân nơi đây hầu như sử dụng hàng hóa trong nước, nên việc cửa hàng chúng tôi chuyên bán hàng Việt Nam được người dân tin tưởng, lựa chọn là điểm đến khi có nhu cầu mua sắm. Đặc biệt, từ khi xây dựng mô hình Điểm bán hàng Việt cố định đến nay, khách đến cửa hàng ngày một đông, giúp tôi có động lực, mạnh dạn đầu tư cơ sở, hàng hóa để phục vụ người dân.
Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Sơn Hòa, với mong muốn các cơ sở, doanh nghiệp của huyện phát triển mô hình kinh doanh bền vững, hàng năm, phòng phối hợp với các phòng chuyên môn của Sở Công thương khảo sát, hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng Việt cố định. Phòng cũng theo dõi, giám sát việc thực hiện cam kết của hộ kinh doanh trong suốt quá trình duy trì điểm bán; hướng dẫn các hộ kinh doanh thực hiện đúng quy định, đảm bảo hàng hóa cung cấp cho người dân luôn phong phú, chất lượng, ổn định giá.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Bích, thúc đẩy phát triển thị trường nội địa thông qua các điểm bán luôn là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước phát triển, góp phần kết nối giữa sản xuất - tiêu dùng và từng bước giúp cho hàng Việt Nam phục vụ nhu cầu người dân khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh.
Trong giai đoạn 2021-2025, công tác nghiên cứu xây dựng mô hình cung ứng sản phẩm bền vững từ sản xuất - phân phối - tiêu dùng; khuyến khích chương trình khuyến mại “Tuần hàng Việt”, “Tháng hàng Việt”…; hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu sản phẩm OCOP; ứng dụng công nghệ 4.0 để phát triển thị trường, kênh bán hàng… tiếp tục được triển khai, góp phần đạt mục tiêu đã đề ra.
Giai đoạn 2021-2025, việc triển khai đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tập trung tuyên truyền, hướng đến mục tiêu: giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỉ lệ trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại và hơn 80% trên các kênh phân phối truyền thống; giữ doanh thu bán lẻ của khu vực kinh tế chiếm tỉ lệ 85% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa của tỉnh Phú Yên ...