Giải pháp về vốn cho phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam
Phát triển công nghiệp hỗ trợ có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa quốc gia. Việt Nam đã và đang tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có một số FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương, FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu… Điều này, sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp hỗ trợ.
Thực trạng vốn đối với ngành công nghiệp hỗ trợ
Theo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), các FTA được kỳ vọng là cú huých mạnh để nâng cao kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, cơ hội để nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào rẻ hơn từ những quốc gia có chất lượng cao hơn, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Đặc biệt, các cam kết chặt chẽ trong các FTA mà trực tiếp là quy định về nguồn gốc xuất xứ hay tỷ lệ nội địa hóa, để được hưởng ưu đãi thuế quan của các quốc gia thành viên, là động lực thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như mở rộng quy mô sản xuất của các DN Việt Nam.
Tuy nhiên, thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, trong tổng số hơn 500.000 doanh nghiệp (DN) cả nước thì chỉ có 1.383 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chiếm 0,3% DN đang hoạt động. Như vậy, so với số lượng DN của Việt Nam thì tỷ lệ DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ còn quá ít và phần nào cho thấy, viễn cảnh khó khăn về cạnh tranh của các DN công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới.
Nhằm giúp ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế ưu đãi cho DN công nghiệp hỗ trợ, như: Miễn 4 năm đầu thuế thu nhập DN, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, nguyên liệu vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư… Đặc biệt, Nghị định 111/2015/NĐ ngày 03/11/2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ cũng cho phép nhà đầu tư hưởng ưu đãi 50% kinh phí sản xuất thử trong hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Tuy nhiên, dù nhận được nhiều sự ủng hộ và hỗ trợ của Chính phủ, song đến nay số lượng DN công nghiệp hỗ trợ vẫn rất ít ỏi và các DN này đang rất khó khăn về vốn để triển khai các chiến lược nói chung và đầu tư trang thiết bị, chuyển giao công nghệ sản xuất phù hợp nói riêng. Với nguồn lực ngân sách nhà nước còn eo hẹp, phần đầu tư cho ngành công nghiệp hỗ trợ rất hạn chế. Hơn nữa, các DN trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng rất khó tiếp cận sự hỗ trợ của Nhà nước.
Về nguyên tắc, các DN công nghệ hỗ trợ hiện cũng có thể tiếp cận được nguồn vốn từ 40 quỹ hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều DN khó có thể tiệp cận được nguồn vốn từ các quỹ này, vì việc thẩm định dự án, đề án của các đơn vị chưa tốt, cơ chế vay khá rắc rối.
Hơn nữa, các quỹ này chưa hoạt động thực sự hiệu quả vì đa số là những quỹ của Chính phủ theo ngân sách nhà nước, cho nên cơ chế, chính sách, quy trình hoạt động của các quỹ này tương đối phức tạp. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong giải quyết khó khăn, vướng mắc của các quỹ này chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, do quy định và cách hiểu còn khác nhau nên hầu hết các quỹ này đều chỉ được mở tài khoản tại Kho bạc, vì thế không thực hiện chức năng cho vay theo hình thức tín dụng. Trong khi đó, hiện có quá ít quỹ tư nhân, cho nên cơ chế vận hành theo cơ chế thị trường chưa được rõ. Thị trường vốn của nước ta hiện nay cũng phát triển chưa đồng bộ, nên việc huy động vốn của các quỹ này cũng rất khó khăn. Có thể nói, chức năng hỗ trợ cho DN, đặc biệt là về vốn của các quỹ này vẫn chưa được như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, thống kê cho thấy, nguồn vốn cho vay các DN chủ yếu hiện là vốn ngân hàng, chiếm đến gần 75%. Nếu so với các nước trong khu vực, thì nguồn vốn từ ngân hàng chiếm quá cao, cụ thể ở Trung Quốc, nguồn vốn này chỉ chiếm khoảng 50%, Singapore, Malaysia thì chỉ chiếm khoảng 30-40%.
Trong khi đó, nguồn vốn huy động cho các DN công nghiệp hỗ trợ từ thị trường chứng khoán, trái phiếu, còn các quỹ đầu tư chưa đáng kể, khoảng 25%. Như vậy, hiện các DN công nghiệp hỗ trợ vẫn còn quá phụ thuộc vào nguồn vốn từ ngân hàng dù về lâu dài vẫn sẽ vận hành theo cơ chế thương mại.
Tranh thủ mọi cơ hội vào phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ
Có thể nói, ngành công nghiệp hỗ trợ đang có cơ hội lớn để thay đổi và phát triển bởi lẽ, FTA là “bàn đạp” thúc đẩy xuất khẩu, từ đó, nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất cũng tăng cao, tạo thị trường tiêu thụ cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, giúp các DN công nghiệp hỗ trợ mở rộng quy mô. Hơn nữa, FTA thế hệ mới cũng góp phần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch hơn.
Đặc biệt, công nghiệp hỗ trợ sẽ dịch chuyển lên khâu có giá trị gia tăng cao hơn. Tuy nhiên, để tận dụng những cơ hội tốt đó, cần có nhiều giải pháp thu hút vốn, giúp các DN công nghiệp hỗ trợ có tiềm lực tài chính vững mạnh, để có thể phát triển và cạnh tranh trong tương lai, do vậy cần triển khai một số giải pháp sau:
Về phía Nhà nước
Một là, Chính phủ cần phải hoàn thiện, cập nhật chiến lược phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; Sớm ban hành Luật hỗ trợ DN vừa và nhỏ, vì các DN công nghiệp hỗ trợ sẽ đều là đối tượng này. Thành lập Quỹ công nghiệp hỗ trợ nhằm giảm áp lực vốn trung dài hạn từ hệ thống ngân hàng đối với các khoản vay của các DN công nghiệp hỗ trợ…
Hai là, tiếp tục hoàn thiện thị trường vốn, phát triển thị trường tài chính Việt Nam cân bằng hơn. Cần tái cơ cấu, tăng cường vai trò của Ngân hàng Phát triển Việt Nam để ngân hàng này thực sự xứng đáng với vai trò cung cấp tín dụng, chính sách của Nhà nước cho những lĩnh vực mà Nhà nước thực sự ưu tiên, quan tâm. Nhà nước cũng có thể hỗ trợ cho DN công nghiệp hỗ trợ thông qua việc trợ cấp, bảo lãnh, bảo hiểm, ưu đãi, giảm thuế…
Ba là, yêu cầu các tổ chức tài chính hỗ trợ các DN công nghiệp hỗ trợ qua việc đẩy nhanh xử lý thủ tục, cải tiến quy trình xử lý hồ sơ, dành lãi suất ưu đãi từng giai đoạn cho các dự án công nghiệp hỗ trợ có tính khả thi và kinh tế cao.
Về phía các tổ chức tài chính
Một là, cần phải thiết kế các gói sản phẩm riêng biệt cho DN ngành công nghiệp hỗ trợ, tăng cường thực hiện cho vay theo chuỗi cung ứng; Hỗ trợ quản trị tài chính, tư vấn quản trị DN tới DN công nghệ hỗ trợ…
Hai là, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn, giao dịch; Giải ngân nhanh đối với các lĩnh vực tiềm năng; Nâng cao trình độ nhân viên thẩm định dự án công nghiệp hỗ trợ. Xem xét cho các DN không có tài sản thế chấp vay vốn, song cần phải đánh giá được uy tín, tín nhiệm của DN thông qua năng lực quản trị, sổ sách kế toán minh bạch, năng lực tài chính trước khi cho vay.
Đối với các quỹ phát triển công nghiệp hỗ trợ
Một là, cần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng công việc, có khả năng thẩm định các dự án, đề án, đặc biệt liên quan đến việc vay trả của các đề án. Các quỹ này cần phối hợp tốt hơn với các ngân hàng, quỹ đầu tư, đồng thời ủy thác cho hệ thống các ngân hàng có nghiệp vụ làm vấn đề này. Nâng cao sự phối kết hợp giữa ngân hàng thương mại, quỹ bảo lãnh DN nhỏ và vừa và chính quyền địa phương…
Hai là, tăng cường thu hút nguồn vốn từ bên ngoài, đặc biệt là nguồn vốn nước ngoài. Theo đó, chủ động, tích cực tìm kiếm nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều FTA, khiến Việt Nam cũng được nhiều nhà đầu tư biến đến và tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Ba là, tăng cường nguồn vốn được huy động từ chứng khoán, trái phiếu… Hiện nay, Chính phủ đang đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán, đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường, đồng thời có chiến lược phát triển đối với trái phiếu. Do vậy, các quỹ đầu tư công nghiệp hỗ trợ cần nghiên cứu tìm kiếm cơ hội để có thể huy động vốn nhiều hơn và hiệu quả hơn từ kênh này.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ, Nghị định 111/2015/NĐ ngày 03/11/2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ;
2. Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách công nghiệp, 2016, Tài liệu tại Diễn đàn Các giải pháp về vốn phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm tìm kiếm các giải pháp chính sách vốn cho đầu tư phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ trong xu thế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới.