Giải pháp xanh cho nền kinh tế bền vững

Thanh Hải

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một giải pháp xanh cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Phát triển KTTH không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, giúp đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia.

Sự hợp tác và chia sẻ giữa các nước là một trong những yếu tố quan trọng giúp hiện thực hoá kinh tế tuần hoàn.
Sự hợp tác và chia sẻ giữa các nước là một trong những yếu tố quan trọng giúp hiện thực hoá kinh tế tuần hoàn.

Xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia

Kể từ năm 2020, khái niệm KTTH đã được Chính phủ Việt Nam quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở khu vực ASEAN đưa KTTH vào Luật Bảo vệ môi trường và văn bản hướng dẫn dưới luật.

 

Theo thống kê sơ bộ trên thế giới, đến nay ước tính có khoảng hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đã, đang và dự kiến sẽ xây dựng các lộ trình thực hiện KTTH dưới các tên gọi khác nhau như kế hoạch, chiến lược, lộ trình như Kế hoạch hành động KTTH lần thứ 2 của Liên minh Châu Âu ban hành lần thứ 2 kèm theo khung giám sát và các chỉ tiêu về KTTH để định hướng chung cho toàn khối.

Theo các chuyên gia, thúc đẩy áp dụng KTTH đang là xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Sáng kiến này đang nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức. KTTH được coi là giải pháp hiệu quả giải quyết các thách thức của toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm rác thải, thúc đẩy các biện pháp phát triển bền vững.

Nêu quan điểm về phát triển KTTH tại Việt Nam hiện nay, PGS. TS.  Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH, gửi lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp.

Trước mắt, mục tiêu đến năm 2030, KTTH được phổ biến, áp dụng rộng rãi và là nguyên tắc, cách tiếp cận ưu tiên trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, quản lý chất thải ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế.

Ở cấp độ quốc gia, việc thực hiện KTTH sẽ được đánh giá dựa trên nhiều chỉ tiêu cụ thể về sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu; tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo; kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường; hiệu quả kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo và bền vững.

Tài chính và công nghệ là vấn đề then chốt

Chia sẻ tại Diễn đàn KTTH Việt Nam 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, câu chuyện của KTTH cách đây 5 năm là một điều rất xa, chỉ nằm trên nghiên cứu nhưng nay là giải pháp, là bước tiến trên chặng đường phát triển bền vững, đây là điều quan trọng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc phát triển KTTH không thể bàn mãi về lý thuyết, nếu không có mục tiêu rõ ràng thì không thể thực hiện. “Phải phát triển và giữ được tài nguyên mãi mãi trường tồn, ở đây phải là tài nguyên tái tạo, tài nguyên trí thức. Đòi hỏi chúng ta phải chuyển lý luận thành chính sách và khuôn khổ pháp lý, đặt ra mục tiêu cụ thể cho mỗi bên liên quan. Mọi chi phí, kết quả kinh tế phải được hạch toán, để thấy rằng tiếp cận KTTH mang lại lợi ích như thế nào”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng cho rằng để phát triển KTTH phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng xanh cần nguồn tài chính và công nghệ. Trong phát triển KTTH, chuyển đổi xanh, hướng đến Net Zero và năng lượng hóa thạch… bằng các nguồn năng lượng tái tạo cần có nguồn lực để thực hiện. Muốn vậy các thiết chế tài chính cần phải thay đổi.

Bên cạnh đó, trong áp dụng KTTH rất cần có sự hợp tác chia sẻ giữa các nước. Theo Phó Thủ tướng, có những vấn đề Việt Nam mới bắt đầu khởi động nhưng cũng có những mục tiêu, nhiệm vụ đã được thực hiện ở nhiều quốc gia. Các nước đi sau rất cần cơ chế hợp tác, chia sẻ cách làm, nâng cao năng lực, thiết kế, quy hoạch, kỹ năng kinh nghiệm quản trị… của các nước đi trước để đạt được mục tiêu chung.

Đặc biệt, chìa khóa quan trọng “mở” cánh cửa, giúp đạt mục tiêu thành công của KTTH chính là khoa học công nghệ.