Giải quyết những tồn tại và hạn chế trong xây dựng nông thôn mới
Qua giai đoạn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ 2010-2015, nhìn chung bộ mặt nông thôn trên cả nước đã có nhiều khởi sắc. Trong quá trình này, cần tập trung tháo gỡ những vấn đề tồn tại nhằm tạo bước đột phá trong việc xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020.
Những chuyển biến mới
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống của người nông dân; Trong đó, trực tiếp và toàn diện nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 7, khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có nhiệm vụ xây dựng NTM. Về mục tiêu cụ thể, Nghị quyết xác định, đến năm 2020: 50% số xã đạt chuẩn NTM trên tổng số 9.121 xã của cả nước theo 19 tiêu chí được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 491/QĐ-TTg, ngày 16/4/2009.
Trên cơ sở bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM gồm 5 nhóm nội dung (nhóm quy hoạch, nhóm hạ tầng kinh tế - xã hội, nhóm kinh tế và tổ chức sản xuất, nhóm văn hóa - xã hội - môi trường, nhóm hệ thống chính trị), Chính phủ đã ban hành Quyết định 800 QĐ-TTg ngày 04/6/2010 về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020, nêu rõ 19 tiêu chí và 7 nhóm giải pháp.
Thực hiện chủ trương trên, phong trào xây dựng NTM đã diễn ra sôi nổi ở khắp các địa phương trên cả nước, thu hút sự tham gia của cả cộng đồng, phát huy được sức mạnh của cả xã hội. Theo Văn phòng điều phối NTM Trung ương, thực hiện Chương trình xây dựng NTM đến tháng 11/2015, bình quân trên cả nước, một số tiêu chí đã đạt kết quả khả quan như 56,5% số xã đạt tiêu chí thu nhập (mức thu nhập bình quân/đầu người vùng nông thôn là 24,6 triệu đồng/năm, tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010); 85,5% số xã đạt tiêu chí việc làm; tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,5% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (giảm bình quân 2%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,97% cuối năm 2011 xuống còn 38,2% cuối năm 2013; 32,59% cuối năm 2014, bình quân giảm trên 5%/năm.
Một số tồn tại, hạn chế
Đánh giá chung, bên cạnh những thành công đạt được, có thể nêu lên một số tồn tại, vướng mắc lớn ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình xây dựng NTM hiện nay, đó là:
Thứ nhất, trình độ năng lực cán bộ quản lý Ban chỉ đạo huyện và xã còn yếu do kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản nên lúng túng trong triển khai thực hiện. Cụ thể, từ việc tuyên truyền vận động nhân dân, phân công trách nhiệm triển khai các bước công việc theo nội dung đề án, lập hồ sơ dự án thành phần, lập kế hoạch huy động nguồn lực, đăng ký nhu cầu vốn thực hiện đề án và phương pháp tổng hợp báo cáo tiến độ triển khai thực hiện các dự án…
Thứ hai, công tác quy hoạch lập kế hoạch tổ chức đấu giá đất, xử lý đất lấn chiếm, đất xen kẹt, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong khu dân cư ở các xã gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Cán bộ xã còn lúng túng về việc lập thủ tục hồ sơ trình cấp có thẩm quyền duyệt; giải quyết, xử lý hồ sơ, thẩm định phê duyệt tiến độ chậm, kết quả chờ đợi kéo dài; thủ tục thu hồi đất, tổ chức đấu giá chưa thông thoáng, còn phức tạp.
Thứ ba, việc kêu gọi, huy động thu hút nguồn vốn đầu tư của các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân cùng tham gia bỏ vốn đầu tư thực hiện các dự án còn hạn chế; UBND xã chưa có kế hoạch và giải pháp cụ thể nhằm phát huy các nguồn lực trong cộng đồng dân cư; nguồn vốn của ngân sách xã chủ yếu dựa vào đấu giá đất, thu tiền sử dụng đất; vốn lồng ghép của cấp trên chưa được bố trí kịp thời.
Thứ tư, công tác điều tra khảo sát, đánh giá thực trạng theo 19 tiêu chí NTM tại nhiều xã khi lập đề án chưa sát với thực tế; việc phối kết hợp giữa các phòng, ban chuyên môn ở huyện và xã chưa tập trung thường xuyên; công việc chủ yếu giao toàn bộ cho đơn vị tư vấn nên số liệu phản ánh chưa chính xác, chất lượng hạn chế, đề án thiếu tính khả thi; phương pháp triển khai thực hiện đề án của Ban quản lý xã còn lúng túng khi lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán các dự án thành phần, nhóm các dự án hạ tầng kỹ thuật tổng mức đầu tư tăng hơn so với mức đầu tư trong đề án đã được phê duyệt chưa có giải pháp xử lý, tháo gỡ về vốn; huyện, xã chờ vốn hỗ trợ từ cấp trên mới chỉ đạo lập hồ sơ dự án thành phần...
Thứ năm, cơ chế huy động nguồn lực, phân bổ nguồn vốn và chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn ở nhiều địa phương chưa được thực hiện thống nhất. Mặt khác, công tác lập và phê duyệt quy hoạch của một số huyện chưa hoàn chỉnh (nhất là quy hoạch sử dụng đất, giao thông, thủy lợi…) đã ảnh hưởng đến tiến độ lập, phê duyệt đề án và dự án quy hoạch xây dựng NTM của các xã…
Giải quyết tốt các mối quan hệ trong tiến trình xây dựng nông thôn mới
Để đẩy mạnh tiến trình xây dựng NTM ở nước ta hiện nay, chúng tôi cho rằng cần quan tâm giải quyết tốt các mối quan hệ sau:
Một là, quan hệ giữa Nhà nước, các lực lượng xã hội và chủ thể nông dân. Xây dựng NTM phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm chính trị, sự chỉ đạo, định hướng của Đảng và Nhà nước về mặt chính sách, tài chính. Trong tiến trình xây dựng NTM, chủ thể lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện là các cấp ủy đảng, bộ máy chính quyền mà cụ thể là các ban chỉ đạo NTM các cấp. Nông dân có vai trò là chủ thể tham gia thực hiện và hưởng thụ các thành quả do Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mang lại. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai xây dựng NTM của nhiều địa phương lại có tình trạng còn “nhầm vai” khiến cho nông dân - những người cần phải trực tiếp tham gia và thụ hưởng từ NTM - còn “đứng ngoài cuộc”: Quyền được biết, được bàn, được tham gia, được quyết định, được giám sát, được hưởng thụ… chưa được thể hiện một cách đầy đủ và vô hình chung trở thành “khán giả” trong tiến trình xây dựng NTM.
Do đó, cần phải có cơ chế phối hợp, kết hợp và gắn kết trách nhiệm, vai trò, vị trí giữa Nhà nước, nông dân và các lực lượng xã hội. Đặc biệt, phải phát huy tính tích cực, tính chủ động, tính sáng tạo và sự tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm của người nông dân trong xây dựng NTM; cần tạo cơ chế để các nguồn lực xã hội khác tham gia vào xây dựng NTM theo phương thức xã hội hóa, tạo một sức mạnh hợp nhất giữa Nhà nước, nông dân và xã hội cho công cuộc xây dựng NTM.
Hai là, mối quan hệ giữa “phần mềm” và “phần cứng” trong xây dựng, thực thi các chỉ tiêu, tiêu chí NTM. Trong bộ 19 tiêu chí xây dựng NTM, có thể phân thành các “tiêu chí cứng” như quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn (giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, bưu điện, nhà ở…) và các “tiêu chí mềm” (thu nhập, lao động việc làm, hình thức tổ chức sản xuất, an ninh trật tự xã hội…). Nói cách khác, chính quyền các địa phương chú trọng nhiều vào lập đề án quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng (đường giao thông, thủy lợi, nước sạch, trường học…) mà ít chú trọng đến các “tiêu chí mềm” như thu nhập, việc làm cho nông dân, văn hóa nông thôn…
Thực tế, qua triển khai thực thi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho thấy, những “tiêu chí cứng” được các địa phương quan tâm đầu tư, xúc tiến thực hiện và đạt được những thành quả cao hơn so với các “tiêu chí mềm”. Ý kiến của nhiều địa phương cho biết, các “tiêu chí mềm” là các tiêu chí khó thực hiện bởi nó liên quan đến nhiều yếu tố và cần có thời gian nhất định, quyết tâm lớn mới đạt được. Thế nhưng điều mà người dân cần hơn cả chính là vấn đề thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, đổi mới phương thức tổ chức sản xuất và thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp. Điều đó cho thấy, trong thời gian tới, cần nhấn mạnh đến các “tiêu chí mềm” nhiều hơn.
Để Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đạt được những mục tiêu đề ra cần phải kết hợp hài hòa, nhịp nhàng và giải quyết tốt mối quan hệ giữa tổ chức cơ sở đảng (vai trò lãnh đạo, chỉ đạo), chính quyền cơ sở (vai trò quản lý, điều hành) với người dân (vai trò chủ thể). Quản lý hành chính cần chuyển từ mệnh lệnh sang phục vụ, lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, cải thiện quan hệ giữa chính quyền với nhân dân, nâng cao niềm tin và đồng thuận của người dân vào xây dựng NTM.