Giải thể, phá sản hơn 400 doanh nghiệp nhà nước

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Các công ty này nằm trong số gần 6.400 đơn vị thuộc diện sắp xếp lại trong năm 2013, theo đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Đến hết năm 2013 đã có 6.376 doanh nghiệp được sắp xếp lại. Nguồn: internet
Đến hết năm 2013 đã có 6.376 doanh nghiệp được sắp xếp lại. Nguồn: internet
Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đến hết năm 2013 đã có 6.376 doanh nghiệp được sắp xếp lại, trong đó có 3.659 doanh nghiệp được cổ phần hóa, 1.022 doanh nghiệp chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, 380 doanh nghiệp được giao bán và 405 đơn vị bị cho giải thể, phá sản (giải thể 313, phá sản 92 doanh nghiệp), số còn lại được sắp xếp theo các hình thức khác như sáp nhập, hợp nhất...

Riêng các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, có 83 trên tổng số 91 đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt, song vẫn còn 8 đơn vị chưa báo cáo đề án gồm Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, Tổng công ty Thiết bị y tế, Tổng công ty bưu điện và 4 doanh nghiệp thuộc UBND tỉnh Bình Dương và Hà Nội.

 Qua quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, Bộ Tài chính nhận định tình hình tài chính của doanh nghiệp đã lành mạnh hơn. Cụ thể, trong 3.576 đã sắp xếp, cổ phần hóa gửi báo cáo về Bộ, 85% có doanh thu cao hơn, gần 90% có lợi nhuận tăng trưởng và 86% đóng góp nhiều hơn vào ngân sách Nhà nước. Quyền lợi của lao động các đơn vị phải sắp xếp, cổ phần hóa cũng được lưu tâm. Tính đến 31/3/2013, hơn 170.000 lao động dôi dư được giải quyết chế độ với tổng số tiền hơn 5.600 tỷ đồng, bình quân là 32,7 triệu đồng một người.

Tuy nhiên, việc xây dựng, triển khai đề án tái cơ cấu doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực kinh doanh vẫn còn chậm trễ, dẫn đến tiến độ sắp xếp, cổ phần hoá chưa đáp ứng được yêu cầu. Số doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu Nhà nước trên 51% vẫn chiếm tỷ lệ cao khiến các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước chưa đóng góp được nhiều vào sự phát triển của doanh nghiệp.

Nguyên nhân của tình trạng ỳ ạch này là do một số bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty chưa quan tâm đúng mức và quyết liệt triển khai lộ trình tái cơ cấu, không chủ động báo cáo tiến độ triển khai để có những tháo gỡ kịp thời. Ngoài ra, thị trường chứng khoán, bất động sản trầm lắng cũng khiến việc cổ phần hóa, bán cổ phiếu ra công chúng, thoái vốn đầu tư gặp nhiều khó khăn.

Thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ cùng các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, phấn đấu hoàn thành trong năm 2015. Một trong những giải pháp được đưa ra là sẽ gắn trách nhiệm của người đứng đấu với kết quả tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp.

Cụ thể, chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước hàng quý phải báo cáo tình hình triển khai đề án tái cơ cấu và các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện để xem xét, tháo gỡ kịp thời. Nếu báo cáo chậm trễ, lãnh đạo sẽ bị xác định là không hoàn thành nhiệm vụ.

Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về giao, bán, thành lập mới, tổ chức lại và giải thể công ty để tạo cơ sở pháp lý tái cơ cấu các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Đẩy nhanh tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành, rà soát chính sách đối với người lao động dôi dư...