Giảm chi hỗ trợ từ ngân sách nhà nước gắn với mức giảm biên chế
Năm 2021, thực hiện giảm chi hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (NSNN) gắn với mức giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách và giảm thêm tối thiểu 5% - 10% so với dự toán năm 2020 chi hỗ trợ từ NSNN đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu tăng theo lộ trình tính giá, phí dịch vụ sự nghiệp công, tăng giá học phí theo quy định của pháp luật...
Đó là một trong những nội dung được hướng dẫn tại Thông tư số 71/2020/TT-BTC ngày 30/7/2020 của Bộ Tài chính về xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2021-2023.
Theo đó, xây dựng dự toán chi NSNN năm 2021 yêu cầu triệt để tiết kiệm, đúng tính chất nguồn kinh phí, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ nhà nước đã ban hành, nhất là các chính sách chi cho con người, chi an sinh xã hội, đảm bảo các nhiệm vụ chính trị quan trọng...; hạn chế mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền, tiếp tục thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công theo quy định; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo...
Để bảo đảm việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 18, số 19, Thông tư cũng đã hướng dẫn các bộ ngành xác định tỷ lệ tinh giản biên chế hành chính, biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách là phần còn lại để đảm bảo thực hiện các mục tiêu tại Nghị quyết hoặc theo mức tối thiểu quy định tại Kết luận số 17-KL/TW ngày 11/9/2017 của Bộ Chính trị (trừ trường hợp có quyết định giao biên chế hoặc Đề án tinh giản biên chế được cấp thẩm quyền phê duyệt).
Năm 2021, tiếp tục thực hiện chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định.
Trên cơ sở đó tính giảm chi bộ máy, chi hoạt động. Dự toán chi hoạt động năm 2021 của cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể xây dựng gắn với mục tiêu sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế; kiện toàn tổ chức, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm cấp phó, thực hiện kiêm nhiệm chức danh, sáp nhập các xã chưa đạt chuẩn... Thực hiện tinh giản biên chế năm 2021 theo quyết định giao biên chế của cấp thẩm quyền hoặc theo Đề án tinh giản biên chế được duyệt (nếu có), hoặc là phần còn phải giảm để đảm bảo thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế cả giai đoạn đến năm 2021 hoặc mức giảm biên chế tối thiểu hằng năm.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, năm 2021, mức tinh giảm biên chế hưởng lương từ NSNN các lĩnh vực sự nghiệp thực hiện theo quyết định giao biên chế của cấp thẩm quyền hoặc theo Đề án tinh giản biên chế được duyệt (nếu có). Đối với các trường hợp chưa có quyết định giao biên chế/Đề án tinh giản biên chế được phê duyệt cho năm 2021, thì tính trên cơ sở số biên chế còn phải giảm để đảm bảo thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế hưởng lương từ NSNN cả giai đoạn đến năm 2021 hoặc mục tiêu giảm biên chế hưởng lương từ NSNN tối thiểu hằng năm.
Theo đó, thực hiện giảm chi hỗ trợ từ NSNN gắn với mức giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách và giảm thêm tối thiểu 5% - 10% so với dự toán năm 2020 chi hỗ trợ từ NSNN đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu tăng theo lộ trình tính giá, phí dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản), tăng giá học phí theo quy định của pháp luật; tăng số đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; dành NSNN chi sự nghiệp cho khu vực, địa phương khó khăn, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Năm 2021, tiếp tục thực hiện chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định. Trong đó, sử dụng một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của các cơ quan, đơn vị, tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ), 70% nguồn tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương so dự toán năm 2020, 50% nguồn tăng thu dự toán năm 2021 của ngân sách địa phương so dự toán năm 2020 và nguồn thực hiện cải cách tiền lương hết năm 2020 còn dư chuyển sang (nếu có).