Giảm chi phí cho doanh nghiệp từ cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan

Vụ Pháp chế (Tổng cục Hải quan)

Trong những năm qua, ngành Hải quan luôn nhận thức cải cách thủ tục hành chính là yêu cầu tất yếu nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan. Hệ thống hải quan luôn tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, thông qua những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, gắn với kiểm tra, giám sát thường xuyên. Kết quả mang lại là những cải cách này đã đóng góp quan trọng vào cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu phát triển...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tình hình cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan

Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Để thực hiện chủ trương này, đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết được Chính phủ ban hành: Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 25/3/2011; các Nghị quyết số 19/NQ-CP ban hành trong các năm 2014, 2015, 2016, 2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, trong những năm qua, đặc biệt từ năm 2014 khi Luật Hải quan được sửa đổi toàn diện (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015) và Hệ thống thông quan điện tử tự động (VNACCS/VCIS) đi vào vận hành, ngành Hải quan luôn nhận thức cải cách TTHC là yêu cầu tất yếu và trọng tâm trong quản lý nhà nước giai đoạn hiện nay để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN có hoạt động xuất nhập khẩu (XNK).

Đến nay, sau một thời gian thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quyết định trên, kết quả cải cách TTHC trong lĩnh vực hải quan, giảm chi phí đầu vào cho DN đã đạt được những kết quả bước đầu.

Một là, cải cách, hoàn thiện thể chế tạo tiền đề cải cách TTHC trong lĩnh vực hải quan.

Từ năm 2014 đến nay, hệ thống pháp luật hải quan đã được hoàn thiện một cách căn bản. Tổng cục Hải quan đã đề xuất quy hoạch hệ thống pháp luật hải quan vào Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2020. Trên cơ sở đó, Tổng cục Hải quan đã chủ trì soạn thảo trình các cấp có thẩm quyền ban hành 2 Luật, 1 Nghị quyết của Quốc hội, 8 Nghị định, 6 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 42 Thông tư, Thông tư liên tịch và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật này.

Luật Hải quan năm 2014 được ban hành thay thế Luật Hải quan năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2005 cùng với đó, hệ thống văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý góp phần thực hiện Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2020; tháo gỡ vướng mắc phát sinh, bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật hải quan, đảm bảo đồng bộ với các văn bản pháp luật liên quan.

Bên cạnh đó, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 được ban hành thay thế Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2005 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật được ban hành góp phần khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước phù hợp định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Nếu như trước năm 2014, tổng số TTHQ là 239 thủ tục thì sau khi 2 luật trên và các văn bản hướng dẫn được ban hành, tổng số thủ tục hải quan (TTHQ) đã giảm xuống còn 178 thủ tục. Điều quan trọng là nội dung chi tiết của từng TTHC lĩnh vực hải quan (thành phần hồ sơ; yêu cầu điều kiện; thẩm quyền, phương thức, thời gian, trình tự thực hiện TTHC…) đều được cắt giảm, đơn giản hóa một cách tối đa (đơn giản hóa được 127 thủ tục), giúp DN dễ hiểu, tiếp cận và thực hiện thuận lợi.

Hai là, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK.

Trước thực trạng hoạt động kiểm tra chuyên ngành còn nhiều bất cập, gây tốn kém cho DN XNK và kéo dài thời gian thông quan, Tổng cục Hải quan đã đề xuất Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 phê duyệt Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK. Với vai trò điều phối Đề án, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành thống kê, rà soát hệ thống văn bản pháp luật về kiểm tra chuyên ngành. Tính đến cuối tháng 3/2017, Tổng cục Hải quan đã rà soát, thống kê được 414 văn bản pháp luật về kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK gồm 30 luật, pháp lệnh; 97 nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 287 thông tư, quyết định của Bộ, cơ quan ngang Bộ và vẫn duy trì thường xuyên việc cập nhật hệ thống văn bản quy phạm pháp luật này. Trong số các văn bản đã thống kê này, qua rà soát đã xác định được 87 văn bản pháp luật về kiểm tra chuyên ngành cần phải sửa đổi, bổ sung và đến nay đã kiến nghị các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung được 66 văn bản, còn 21 văn bản đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng phối hợp với các bộ, ngành rà soát chính sách quản lý đối với hàng hóa XNK và tổng hợp thành bộ TTHC/chính sách quản lý có điều chỉnh đến hoạt động XNK bao gồm 231 TTHC/chính sách quản lý; Xác định danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành và kiến nghị các Bộ, ngành xử lý danh mục này theo hướng thu hẹp diện kiểm tra; Đưa vào hoạt động 10 địa điểm làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành tập trung tại các cửa khẩu có lưu lượng hàng hóa XNK lớn.

Ba là, triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN.

Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1899/QĐ-TTg ngày 4/10/2016 thành lập Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại; Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 14/11/2016 phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 - 2020. Triển khai Kế hoạch tổng thể này, Tổng cục Hải quan phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành triển khai mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia, đến nay đã kết nối chính thức với 11 bộ, ngành được 41 TTHC, xử lý khoảng 500 nghìn bộ hồ sơ với sự tham gia của khoảng 15 nghìn DN.

Tháng 9/2015, Cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam đã kết nối kỹ thuật thành công với 4 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore) để trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D cho hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ ASEAN (ATIGA C/O mẫu D). Hiện nay, Nghị định thư pháp lý về Cơ chế một cửa ASEAN đã được 10/10 nước thành viên ASEAN phê chuẩn, Tổng cục Hải quan đang tích cực tham mưu để Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN.

Bốn là, tăng cường điện tử hóa, áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại.

Được triển khai chính thức trên phạm vi toàn quốc từ tháng 6/2014 đến nay, Hệ thống thông quan điện tử tự động (VNACCS/VCIS) hoạt động ổn định (đã điện tử hóa giấy tờ, hồ sơ hải quan), xử lý dữ liệu tập trung thực hiện tại 100% đơn vị hải quan với số lượng tờ khai, DN, kim ngạch tăng qua từng năm (năm 2014: 5,17 triệu tờ khai, 49,88 nghìn DN; năm 2015: 8,42 triệu tờ khai, 63,11 nghìn DN; năm 2016: 9,74 triệu tờ khai, 72,89 nghìn DN; 6 tháng đầu năm 2017: 5,25 triệu tờ khai, 65,01 nghìn DN).

Đến nay, Tổng cục Hải quan đã ký kết thu thuế điện tử với 36 ngân hàng thương mại với số thu chiếm 90% thu ngân sách của ngành Hải quan, qua đó giảm thời gian nộp thuế từ 2 ngày xuống còn 15 phút. Trong thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đã ký kết với 5 ngân hàng thí điểm triển khai nộp thuế điện tử 24/7. Trong tổng số 178 TTHC hải quan, đến nay ngành Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được 123 thủ tục, mức độ 3 được 3 thủ tục, còn lại 52 thủ tục sẽ được Tổng cục Hải quan nâng cấp tối thiểu mức độ 3 trong thời gian tới.

Tổng cục Hải quan đang triển khai đề án giám sát hàng hóa XNK tại các cảng biển, cảng hàng không bằng phương thức điện tử. Sau 3 năm triển khai Luật Hải quan năm 2014, các phương pháp quản lý hải quan của cơ quan hải quan đã từng bước hiện đại, chuyên nghiệp.

Năm là, tăng cường cải cách tổ chức bộ máy, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ cải cách TTHC.

Tổng cục Hải quan chú trọng kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy một cách hợp lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong điều kiện không được tăng biên chế; Không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ có hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ hải quan…

Cùng với đó, quy chế hoạt động công vụ; quy chế kiểm soát 3 cấp hải quan; Tuyên ngôn phục vụ khách hàng; kế hoạch nâng cấp dịch vụ khách hàng... cũng đã được Tổng cục Hải quan ban hành. Đồng thời, công tác tuyên truyền, hỗ trợ thông tin, pháp luật cho người khai hải quan, người nộp thuế cũng được tăng cường, qua đó kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh cho DN. Bằng sự nỗ lực quyết tâm trong cải cách TTHC, năm 2015, Tổng cục Hải quan được Bộ Tài chính xếp hạng 2/5, năm 2016 được xếp hạng 1/5 về chỉ số cải cách hành chính trong khối Tổng cục và tương đương thuộc Bộ Tài chính.

Một số khó khăn, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình đẩy mạnh cải cách TTHC trong lĩnh vực hải quan, giám chi phí đầu vào cho DN cơ quan hải quan các cấp cũng gặp phải không ít khó khăn, hạn chế.

Thứ nhất, vẫn còn bộ, ngành chưa quyết liệt triển khai thực hiện việc sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật về kiểm tra chuyên ngành và phối hợp triển khai thực hiện. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, kiểm tra chuyên ngành chiếm đến 72% thời gian thông quan hàng hóa, 28% còn lại là của hải quan. Nếu cải cách được hoạt động này sẽ giảm đáng kể thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới, giúp cho DN giảm rất nhiều chi phí.

Thứ hai, tuy đã được triển khai gần 4 năm song số lượng TTHC của các bộ, ngành được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia còn ít. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ và sự vào cuộc của các bộ, ngành còn hạn chế.

Thứ ba, các văn bản quy phạm pháp luật về hải quan rất đồ sộ, xây dựng tốn nhiều thời gian, công sức, trí tuệ; DN cũng mất nhiều thời gian để tiếp cận thực hiện. Quá trình thực hiện TTHQ lại phải áp dụng bởi nhiều văn bản kiểm tra chuyên ngành, trong khi hệ thống văn bản này quá nhiều, quy định còn phức tạp nên việc áp dụng có những thời điểm, những địa bàn chưa thống nhất là điều khó tránh khỏi.

Giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên cũng như thực hiện có hiệu quả chủ trương cải cách TTHC của Đảng và Nhà nước, trong những năm tới, ngành Hải quan tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, tư tưởng, chế định cốt lõi của Luật Hải quan năm 2014. Trước mắt, ngành Hải quan tập trung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về TTHQ, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về TTHQ; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Thứ hai, ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn nữa trong tất cả các khâu quản lý và nghiệp vụ hải quan, trọng tâm là vận hành có hiệu quả Hệ thống VNACCS/VCIS.

Thứ ba, chủ động phối hợp với các bộ, ngành trong việc tham gia các hoạt động quản lý nhà nước về hải quan trên cơ sở quy định của pháp luật, trong đó tập trung nâng cao chất lượng kiểm tra chuyên ngành và thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN.

Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về hải quan, nội luật hóa các hiệp định song phương, đa phương Việt Nam đã tham gia ký kết có nội dung liên quan về lĩnh vực hải quan.

Thứ năm, cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức; Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, thanh tra chuyên ngành, chấn chỉnh, xử lý vi phạm để bảo đảm thực hiện đầy đủ pháp luật hải quan và pháp luật khác có liên quan.   

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Hải quan năm 2014;

2. Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ;

3. Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ;

4. Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 14/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ.