Giám sát chặt việc đổi tiền lẻ trái phép
Nhu cầu sử dụng tiền mới mệnh giá nhỏ, đặc biệt là tiền mới nguyên seri chưa qua sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán thường tăng cao đã phát sinh hiện tượng kinh doanh dịch vụ đổi tiền với mức chênh lệch khá cao, làm rối thị trường tiền tệ.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định năm nay không những không in tiền mới mệnh giá từ dưới 5.000 đồng, mà chủ trương là tiếp tục không chi các loại tiền mới in (còn tồn kho) từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông. Thay vào đó, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân.
Dịch vụ đổi tiền lẻ vào mùa
Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, song thời điểm này, tại một số điểm đổi tiền lẻ tại chợ đen, các cổng đền, chùa đã tấp nập kẻ mua, người đổi tiền lẻ.
Một đầu mối đổi tiền lẻ lớn tại cổng phủ Tây Hồ (Hà Nội), cho biết tiền 500 đồng hiện nay không còn nhiều, chủ yếu xuất hiện vào dịp Tết, người dân thường đổi để đi chùa. Do khan hiếm nên được bán với giá “cắt cổ”. Hiện tại, mức phí dao động 80 – 100%.
Theo đầu nậu này, phí đổi tiền sẽ giảm dần theo mệnh giá. Những mệnh giá từ 50.000 đồng trở lên sẽ có mức phí 4 – 5%. Mệnh giá 10.000 – 20.000 là 12%.
Khảo sát trên trang web: doitienle.com, để đổi 1 triệu đồng loại tiền 10.000 đồng mới, khách sẽ mất phí 100.000 – 120.000 đồng, đổi 2 triệu đồng loại tiền 20.000 đồng sẽ mất phí 160.000 – 200.000 đồng. Còn với các loại tiền mệnh giá nhỏ như 500 đồng thì đổi 1 triệu đồng mất phí gần 800.000 đồng.
Ngoài ra, trang web này cũng cam kết đảm bảo tiền thật, trùng seri và đặc biệt đổi ở đây mới và thật 100%, nguyên seri do NHNN phát hành.
Cùng với nhu cầu đổi tiền lẻ VND trong mỗi dịp Tết, vài năm trở lại đây, xu hướng dùng ngoại tệ để lì xì năm mới cũng rộ lên, nhất là đồng 2 USD.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên phố “đô la” Hà Trung (Hà Nội) đều khan hiếm ngoại tệ lẻ, mặc dù số lượng khách hỏi mua không ít. Đặc biệt, nếu hỏi mua đồng 2 USD in hình con chó, các chủ cửa hàng đều trả lời không có hoặc phải đặt cọc trong vòng 10 ngày mới có.
Tại cửa hàng vàng bạc T. Hoài, khi phóng viên ngỏ ý muốn mua ngoại tệ mệnh giá 1 – 2 USD, ông chủ cửa hàng ngập ngừng: “Đô lẻ hiện nay khá hiếm, nhu cầu mua bắt đầu tăng. Vì thế nếu mua có thể đặt cọc trước”.
Một số ngân hàng thương mại cũng cho biết mấy ngày gần đây, khách hàng đến giao dịch đều hỏi đổi tiền lẻ, tiền mới, cũng có nhiều khách hỏi mua ngoại tệ lẻ.
Tuy nhiên, hầu hết ngân hàng đều từ chối do thời điểm này, tiền lẻ, tiền mới chưa có nhiều, chỉ ưu tiên cho một số đối tác là khách hàng doanh nghiệp thân thiết. Với việc mua ngoại tệ mệnh giá nhỏ càng khó hơn do tỷ giá ngoại tệ giữa ngân hàng và chợ đen chênh nhau rất nhiều, ngân hàng chỉ chấp nhận mua vào ngoại tệ và hạn chế bán ra thị trường. Nếu người dân có nhu cầu mua phải xác minh mục đích, nếu mua để đi nước ngoài phải cung cấp được vé khứ hồi, visa…
Để chấn chỉnh tình trạng này, năm nay, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 48, giao NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế, nhất là trong dịp Tết.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết năm nay, NHNN cũng sẽ không in tiền mới mệnh giá từ dưới 5.000 đồng, mà chủ trương của NHNN là tiếp tục không chi các loại tiền mới in (còn tồn kho) từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông. Thay vào đó, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân.
Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc đổi tiền lẻ trái phép. “Với những trường hợp cố tình vi phạm sẽ áp dụng Nghị định 96, hoạt động đổi tiền lẻ có thu phí nếu bị phát hiện sẽ bị phạt 20 – 40 triệu đồng”, Phó Thống đốc cho biết.
Ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ, NHNN, cho biết dịp Tết Mậu Tuất 2018, Cục đã lên kế hoạch cung ứng đủ tiền cho các ngân hàng thương mại, trong đó có đầy đủ về chủng loại, số lượng và cơ cấu tiền.
“Tuy nhiên, với những mệnh giá dưới 10.000 đồng chủ yếu sử dụng tiền cũ đã lưu thông, và số lượng sẽ nằm trong tổng số NHNN cung ứng thời gian tới”, ông Lâm cho biết.
Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại, nhu cầu sử dụng tiền lẻ, mới dành cho việc lì xì trong mỗi dịp Tết là có thật. Vì vậy, việc siết chặt kiểm tra không thể khiến dịch vụ này chấm dứt hoàn toàn mà chỉ góp phần hạn chế.
“Quan trọng vẫn là ý thức của người dân khi đi lễ chùa không nhất thiết phải dùng tiền lẻ để phát tâm công đức, thay vì phải phát tâm nhiều lần, người dân có thể để mệnh giá 10.000 đồng vào hòm công đức. Như vậy, sẽ giúp thị trường trở nên lành mạnh, những người kinh doanh tiền lẻ không còn cơ hội trục lợi”, vị này nói.