Giảm thuế 20.000 tỷ đồng: “Ý Đảng hợp lòng Dân”
Trao đổi với báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói: “Việc đề xuất một số giải pháp về thu ngân sách, trong đó thực chất là đề xuất giảm một số loại thuế cho doanh nghiệp, người dân là minh chứng rõ ràng cho ý Đảng hợp lòng Dân”.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng gói hỗ trợ từ giảm thuế và đang tiến hành lấy ý kiến đối với việc ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Thưa Bộ trưởng, vì sao đề xuất này lại được coi là biểu tượng của “ý Đảng lòng Dân”? Ý Đảng được thể hiện cụ thể thế nào trong bối cảnh đề xuất này?
- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Xem xét cách toàn diện, ta thấy Kết luận số 07-KL/TW của Bộ Chính trị hồi tháng 6/2021 chỉ rõ Ban Cán sự Đảng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; không để gián đoạn sản xuất. Sau đó là Công điện của Ban Bí thư hôm 21/7 cũng yêu cầu phải “triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp”. Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất cũng ban hành Nghị quyết yêu cầu “tiếp tục có biện pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động; nghiên cứu thực hiện miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid -19”, đặc biệt là lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về toàn Đảng, toàn dân chống dịch thành công.
Khi nhậm chức trước Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ “tiếp tục xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay”. Nhưng cần khẳng định rằng: không phải đến lúc này, mà trong “hơn 500 ngày qua” như cách nói của Thủ tướng, Chính phủ luôn thực hiện chủ trương của Đảng là thiết lập, ban hành cơ chế, chính sách theo thẩm quyền để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp.
- Còn về lòng Dân? Chắc hẳn Chính phủ và Bộ Tài chính cũng lắng nghe không ít các ý kiến về vấn đề này?
- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đương nhiên, từng thành viên Chính phủ luôn nhận được những phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp, từ người dân về những khó khăn và đề xuất giải pháp cho an sinh xã hội, duy trì sản xuất – kinh doanh nhằm thực hiện mục tiêu kép mà Đảng và Nhà nước luôn nhất quán. Bản thân tôi cũng nhận được nhiều phản ánh và đề xuất trong lĩnh vực của mình. Chính phủ đã tiết kiệm chi, tập trung kinh phí chống dịch, tập trung kinh phí mua vắc xin tiêm cho dân, hỗ trợ người nghèo.
Chính phủ đã ghi nhận nhiều kiến nghị, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp về các giải pháp hỗ trợ tiếp theo, Chính phủ đã thực hiện nội dung kiến nghị, các giải pháp hỗ trợ trực tiếp về tiếp cận tín dụng, nguồn vốn, dòng tiền, kéo dài thời gian vay, giảm lãi suất cho doanh nghiệp, thực hiện các giải pháp giãn, hoãn thuế, giảm 30 loại phí, giảm thuế, giảm chi phí cho doanh nghiệp chống chịu trước đại dịch.
- Nhưng tôi nhớ là từ năm ngoái khi đại dịch Covid-19 bùng lên tại Việt Nam, các giải pháp tài chính cũng đã được đưa ra và áp dụng. Bộ trưởng đánh giá hiệu quả các giải pháp ấy như thế nào?
- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Các chính sách về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất theo thẩm quyền của Chính phủ đã được triển khai từ tháng 4/2020 để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và thúc đấy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế. Như Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và nhân dân, các giải pháp này đã có tác động tốt. Nếu tính con số cụ thể thì tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm và các hỗ trợ theo các chính sách đã ban hành năm 2020 đạt khoảng 129.000 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2021 đến nay, các chính sách này tiếp tục được Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện. Chúng tôi dự kiến các giải pháp này sẽ đạt khoảng 135.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Riêng chính sách giảm, hoãn thuế 27.500 tỷ đồng, gói an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng; gói viễn thông 10.000 tỷ đồng; gói vắcxin 25.200 tỷ đồng; gói điện, nước, phí, chi phí chống dịch hàng chục nghìn tỷ đồng và gói giảm thuế khoảng 20.000 tỷ đồng.
Các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, tiền điện, nước, viễn thông, lãi suất, vốn nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng của năm 2020 cũng như kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021.
- Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số chính sách về thu ngân sách chắc hẳn là do “diễn biến mới” của dịch bệnh?
- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Chính phủ đánh giá Covid -19 hiện diễn biến hết sức phức tạp đã và đang tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân. Đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và hoạt động của một số nhóm lĩnh vực dịch vụ như du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống, chiếu phim, thể thao và giải trí... Chính vì vậy việc đề xuất thêm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nhằm ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid -19 trong năm 2021 là cần thiết, giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.
- Chính phủ nhìn nhận những khó khăn do các doanh nghiệp, người dân gặp phải hiện nay là gì, thưa Bộ trưởng?
- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đại dịch Covid -19 đã làm cho sản xuất kinh doanh, cuộc sống người dân khó khăn vô cùng, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, chuỗi liên kết lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng càng làm cho tình hình kinh doanh thêm khó khăn; hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị ngưng trệ hoặc phải hoạt động cầm chừng, thậm chí là tạm ngừng hoạt động, người lao động tại các cửa hàng, cửa hiệu, khu công nghiệp phải nghỉ việc, kể cả các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh các mặt hàng thiết yếu tại các địa phương phải thực hiện giãn cách và nhiều địa phương khác cũng diễn ra cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của bản thân và gia đình.
Mặt khác, tác động của Covid -19 lần thứ 4 này cũng có thể khiến cho số nợ thuế 2021 có xu hướng tăng do sản xuất, kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp và người dân không có khả năng nộp thuế kịp nên nợ thuế tăng lên. Do đó, cần phải có sự chung tay góp sức của cộng đồng, giúp đỡ nhau ổn định cuộc sống, chống dịch hiệu quả, phục hồi sản xuất. Chính phủ đã hết sức nỗ lực thực hiện giải pháp hiệu quả chống dịch, phát triển sản xuất kinh doanh.
- Vậy những nét chính của dự thảo Nghị quyết mà Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này là gì? Xin Bộ trưởng nói khái quát?
- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Chính phủ đề xuất nhiều giải pháp, có thể kể đến các giải pháp như tiếp tục giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong quý III và quý IV/2021 thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế; giảm 30% thuế GTGT đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh các dịch vụ như vận tải, lưu trú ăn uống, du lịch, giải trí…
Đặc biệt, Chính phủ đề xuất miễn tiền phạt chậm nộp để các doanh nghiệp, tổ chức giảm bớt khó khăn về tài chính, tập trung nguồn lực để khắc phục những ảnh hưởng của dịch bệnh. Đặc biệt là doanh nghiệp, tổ chức bị thua lỗ nhiều năm liên tiếp (từ năm 2018 đến 2020), phạt chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 (02 năm ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh) đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh). Không xử lý đối với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp.
- Dù đây là chính sách, tôi nghĩ chắc chắn được người dân và doanh nghiệp hoan nghênh. Nhưng dù sao cũng phải tính đến tác động đối với ngân sách nhà nước 2021, thưa Bộ trưởng?
- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Theo dự tính, việc thực hiện các đề xuất nêu trên có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng. Cùng với khoảng 115.000 tỷ đồng mà các giải pháp khác của Chính phủ đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thì sự hỗ trợ này sẽ góp phần để doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Người dân và doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.
Hẳn nhiên, các đề xuất này nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý ban hành thì ngân sách cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ các kịch bản về tình hình dịch kéo dài đến hết quý III và kéo dài hết năm với các giải pháp điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, kết hợp với chính sách tiền tệ hợp lý, chắc chắn cân đối ngân sách sẽ đảm bảo, bội chi ngân sách giữ được mức Quốc hội quy định.
Bộ Tài chính sẽ đề ra nhiều biện pháp nhằm chống thất thu, chi hiệu quả, tiết kiệm chi, cơ cấu nợ hợp lý đảm bảo thúc đẩy kinh tế phát triển, chống dịch thành công.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!