Sửa Luật thuế thu nhập doanh nghiệp:

Giảm thuế, tạo đà cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phát triển

Thùy Linh

Để hỗ trợ tích cực cho nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống 15% - 17%. Điều này được nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp tích tụ vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời gian tới.

Ở nước ta hiện nay số lượng doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm đa số trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.
Ở nước ta hiện nay số lượng doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm đa số trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 94%

Luật Thuế thu nhập DN (TNDN) hiện hành quy định mức thuế suất phổ thông (20%) và mức khung thuế suất áp dụng đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam (32%-50%, mức thuế suất cụ thể do Thủ tướng Chính phủ quyết định).

Bộ Tài chính đánh giá, trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã từng bước giảm thuế suất thuế TNDN phổ thông qua các lần sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNDN theo đúng lộ trình đề ra. So với các nước trong khu vực ASEAN, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông 20% là bằng với mức thuế suất đang áp dụng tại Thái Lan, Lào, Campuchia và thấp hơn một số nước khác. Việc duy trì mức thuế suất phổ thông 20% đã đảm bảo sự cạnh tranh với các nước trong khu vực, phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Hiện nay, ở Việt Nam, số lượng DN có quy mô nhỏ, trong đó chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ, chiếm đa số trong tổng số DN đang hoạt động và đang giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội. Trong tổng số khoảng 900 nghìn DN đã được thành lập và hoạt động thì số DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 94%.

Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy DN có quy mô nhỏ vẫn luôn là mục tiêu trọng tâm của các chính sách phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia. Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên nhiều phương diện khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển DN có quy mô nhỏ, trong đó chính sách hỗ trợ về thuế cũng là công cụ thường được các nước sử dụng theo hướng quy định mức thuế suất ưu đãi (có thể là mức thuế suất cố định hoặc mức thuế suất lũy tiến theo quy mô thu nhập) dành cho các DN có quy mô nhỏ.

Thực tế là phần lớn các nước áp dụng mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thuế suất phổ thông cho các DN có quy mô nhỏ, có phân biệt theo quy mô doanh thu, thu nhập chịu thuế. Chính vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, cần nghiên cứu, bổ sung vào Luật thuế TNDN quy định áp dụng thuế suất thấp hơn đối với các DN có quy mô nhỏ.

Đảm bảo sự khuyến khích, hỗ trợ phù hợp với thực tế

Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Luật Thuế TNDN để trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Điểm đáng chú ý tại Dự thảo Luật là dự kiến giảm thuế TNDN cho DN nhỏ và siêu nhỏ từ 20% xuống 15% - 17%.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm thuế suất từ 20% xuống mức 15% - 17% là một bước giảm đáng kể, góp phần khuyến khích các DN để dành được một phần lợi nhuận, tái đầu tư hoặc mở rộng sản xuất. Việc bổ sung quy định này góp phần hỗ trợ cho DN nhỏ, siêu nhỏ theo chủ trương của Đảng, Quốc hội; tạo điều kiện cho các DN nhỏ, siêu nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN, là tiền đề giúp các DN nhỏ, siêu nhỏ phát triển thành DN có quy mô lớn hơn. Việc thực hiện các mức thuế suất tương ứng theo quy mô doanh thu của DN cũng thể hiện chính sách ưu đãi dành cho DN là có thời hạn (mức thuế suất thay đổi theo bước phát triển của DN) và đảm bảo sự khuyến khích, hỗ trợ phù hợp với thực tế.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc đề xuất áp dụng các chính sách hỗ trợ DN có quy mô nhỏ cần phải dựa trên nguyên tắc: hỗ trợ đúng, trúng đối tượng để đạt được lợi ích kinh tế, xã hội cao nhất, tránh dàn trải, làm giảm hiệu quả của chính sách khuyến khích, hỗ trợ, đặc biệt trong bối cảnh việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước tiếp tục được đặt ra.

Bộ Tài chính khẳng định, hiện hành, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng đã có đưa ra các tiêu chí để xác định DN nhỏ và vừa (tiêu chí vốn, lao động và doanh thu). Với các tiêu chí này thì số lượng DN nhỏ và siêu nhỏ đang chiếm tới gần 94% tổng số DN ở Việt Nam và nếu tính cả số lượng DN có quy mô vừa thì nhóm DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tới trên 97% tổng số DN. Nếu dựa theo các tiêu chí này để xác định đối tượng được áp dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có việc áp dụng mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thuế suất phổ thông thì gần như toàn bộ các DN tại Việt Nam sẽ được hưởng các chính sách này.

Bên cạnh đó, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa chỉ quy định về khung tiêu chí làm cơ sở xác định DN siêu nhỏ, DN nhỏ và DN vừa, còn việc xác định tiêu chí, đối tượng cụ thể để có chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa cần thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành để đảm bảo các chính sách hỗ trợ cho đối tượng DN này phù hợp với đặc điểm, mục tiêu hướng đến, yêu cầu quản lý, tính khả thi trong thực hiện của từng chính sách hỗ trợ cụ thể.