Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc: Trung Quốc bắt đầu lo lắng?
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) công bố hôm Chủ nhật sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 100 điểm cơ bản đối với hầu hết các ngân hàng, hiện tại là 15,5% đối với các tổ chức lớn và 13,5% đối với các ngân hàng nhỏ hơn, áp dụng từ 15/10.
Thay đổi trên được dự báo sẽ dẫn đến việc bơm 750 tỷ nhân dân tệ (109,2 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng. Đây cũng được cho là dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang lo lắng về cuộc chiến thương mại Mỹ đang leo thang, CNBC nhận định.
Chỉ mới tháng trước, Trung Quốc khẳng định trong một báo cáo 71 trang rằng nền kinh tế nước này là "rất kiên cường" và Bắc Kinh không sợ một cuộc chiến thương mại.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thiên Tân, Trung Quốc vào tháng 9 vừa qua, một quan chức từ cơ quan quản lý chứng khoán của nước này nói rằng những gì chính quyền của Tổng thống Donald Trump làm khó có thể “gây sứt mẻ” đáng kể cho nền kinh tế Trung Quốc.
Fang Xinghai, Phó chủ tịch Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc, nói rằng điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là Hoa Kỳ áp đặt mức thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc, nhưng cũng chỉ tác động giảm 0,7 điểm phần trăm tăng trưởng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, động thái của PBoC lần này nhằm giảm bớt áp lực lên lĩnh vực ngân hàng chỉ ra rằng tình hình kinh tế Trung Quốc có lẽ không phải toàn màu hồng, các chuyên gia lưu ý.
“Trung Quốc đang phải đối mặt với một giai đoạn tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2008). Tất cả các thông tin đang cho thấy đều đó,” Fraser Howie, một nhà phân tích độc lập, người đã viết sách về Trung Quốc và hệ thống tài chính nước này, bình luận.
“Họ sẵn sàng chủ động làm dịu dư luận về những mất mát có thể đem lại của chính sách cắt giảm mới, nhưng rõ ràng đây không phải điều chỉnh chính sách kinh tế thông thường của Trung Quốc,” ông nói.
Cho dù giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và bơm vào hệ thống ngân hàng thêm khoảng 750 tỷ nhân dân tệ (109,2 tỷ USD). PBoC vẫn khẳng định duy trì chính sách tiền tệ thận trọng và trung lập.
Một chính sách tiền tệ trung lập có nghĩa là ngân hàng trung ương không cố gắng làm chậm hoặc kích thích nền kinh tế. Khi chính sách được cho là nới lỏng, điều đó có nghĩa là ngân hàng trung ương đang tạo điều kiện để các doanh nghiệp và hộ gia đình vay tiền rẻ hơn, với hy vọng rằng họ sẽ tăng chi tiêu và qua đó thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
Bất chấp quan điểm chính thức của PBOC rằng chính sách tiền tệ của họ vẫn chưa nới lỏng, việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ tư trong năm là do căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang và sự leo thang này có thể kéo dài hơn kỳ vọng trước đây, các nhà phân tích lưu ý.
Một cuộc chiến thương mại kéo dài và nền kinh tế Mỹ ghi nhận những yếu tố cho thấy đang phát triển mạnh mẽ có thể dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư rút lui khỏi Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh đang thực hiện các bước đi đón đầu để tránh những luồng tiền đầu tư khổng lồ rút khỏi hệ thống tài chính của mình, điều có thể gây thêm một cú sốc nữa cho nền kinh tế Trung Quốc vốn đang tăng trưởng chậm hơn.
“Các lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đầu năm, tôi nghĩ có liên quan nhiều hơn đến việc cải thiện bảng thanh toán, chỉ cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng trong tình trạng khủng hoảng tín dụng ,” Cindy Ponder-Budd, một nhà phân tích của công ty nghiên cứu View from the Peak, nói.
“Tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc đang chậm lại và bạn bắt đầu thấy chính phủ chủ động hơn trong việc cố gắng đưa ra các gói kích thích kinh tế,” bà Cindy Ponder-Budd nói thêm.
Động thái mới nhất của PBoC được đưa ra vào cuối tuần lễ quốc khánh ở Trung Quốc. Tuần trước, chứng khoán Hồng Kông giảm trong bốn ngày liên tiếp khi các nhà đầu tư ngày càng lo ngại rằng tác động của cuộc chiến thương mại bắt đầu xuất hiện rõ ràng hơn. Các chuyên gia đã dự kiến tình trạng bán tháo sẽ tràn sang thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến khi các thị trường này mở cửa trở lại vào thứ Hai.
Tuy nhiên, việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của PBoC đã làm dịu căng thẳng. Thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến chỉ giảm gần 3% vào sáng thứ Hai, trong khi chứng khoán Hồng Kông giảm gần 1%.
“Trung Quốc tỏ ra có một chút lo lắng. Có rất nhiều thách thức ở phía trước và tôi nghĩ họ đã đúng khi chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, trong khi vẫn duy trì kỳ vọng về những điều tốt đẹp,” Gareth Nicholson, từ Ngân hàng Trung ương Singapore, chia sẻ.
Nhưng Nicholson lưu ý rằng nếu tình hình thương mại xấu đi hơn nữa, Trung Quốc sẽ có một số đòn bẩy để cứu vãn nền kinh tế của mình…