Gian nan đích đến Basel II
Không phải ngân hàng nào cũng có đủ khả năng thực hiện tăng vốn nhằm đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, đặc biệt là những nhà băng đang trong giai đoạn tái cơ cấu.
Tại Việt Nam, lộ trình áp dụng Basel II được xác định: đến năm 2020, cơ bản các ngân hàng thương mại (NHTM) có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 NHTM áp dụng thành công Basel II. Như vậy, còn lại hơn 20 ngân hàng khác là đến năm 2025 mới phải áp dụng.
Tuy nhiên, cập nhật mới nhất từ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đến nay đã có 17 NHTM đăng ký áp dụng Thông tư 41 trước thời hạn; trong đó có 10 ngân hàng là Vietcombank, VIB, OCB, VPBank, MB, ACB, TPB, Techcombank, MSB, HDBank đã được cấp “giấy chứng nhận” áp dụng Basel II.
Không dễ thực hiện
Theo các chuyên gia, để đáp ứng Basel II, các ngân hàng bắt buộc phải tăng vốn theo quy định tại Thông tư 41. Theo đó, các NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam sẽ phải thường xuyên duy trì hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức 8% - con số tiệm cận với tiêu chuẩn Basel II, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020.
Trường hợp đã áp dụng Basel II trước hạn thì hướng đến đáp ứng một cách toàn diện hơn nữa. Cụ thể, vốn điều lệ tăng sẽ giúp các nhà băng tăng năng lực tài chính, tạo điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ.
Do đó, hiện nay, một số ngân hàng đã áp chuẩn Basel II, song vẫn đang đứng trước áp lực tăng vốn để đảm bảo hệ số CAR.
Tuy nhiên, không phải nhà băng nào cũng có thể tăng vốn dễ dàng. Điển hình như, từ năm 2013 đến nay, vốn điều lệ của VietinBank vẫn “dậm chân” ở mức 37.234 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của Vietcombank đã tăng hơn 39%, Techcombank tăng tới hơn 4 lần.
Do dư địa để tăng vốn điều lệ theo cách thông thường đã cạn kiệt, VietinBank đang buộc phải dựa vào giải pháp ngắn hạn là liên tục phát hành trái phiếu bổ sung vốn cấp 2, với chi phí lãi suất cao.
Một số ngân hàng khác chia cổ tức và cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ. Trong đó, năm 2019, ACB có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ chia cổ tức bằng phát hành hơn 374 triệu cổ phiếu phổ thông cho cổ đông hiện hữu từ nguồn lợi nhuận giữ lại sau khi phân phối lợi nhuận năm 2018 (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu), tỷ lệ thực hiện quyền là 30%.
Hay như Nam A Bank, nhờ kết quả kinh doanh 2018 khả quan với 750 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, nhà băng này dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 16% bằng cổ phiếu, qua đó hiện thực hóa kế hoạch nâng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2019.
Thưởng - phạt rõ ràng
Áp lực cũng trở nên lớn hơn ở giải pháp tăng vốn qua việc niêm yết cổ phiếu, khi một số NHTM có thị giá cổ phiếu trên sàn thấp hơn mệnh giá kéo dài trong thời gian qua. Hoặc một số ngân hàng có quy mô nhỏ, cổ phiếu không đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư.
Chẳng hạn như trường hợp của BacABank, mặc dù đã niêm yết cổ phiếu trên sàn và có quy mô vốn cỡ vừa, song với đặc điểm không có cổ đông lớn và chưa có thương hiệu, nên cổ phiếu BAB khó thu hút nhà đầu tư.
Như vậy, chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa, khoảng 15 ngân hàng chính thức áp dụng tiêu chuẩn Basel II, những ngân hàng còn lại đang phải chạy đua thời gian để có thể áp chuẩn quốc tế này. Tuy nhiên, tính khả thi còn tùy thuộc vào kế hoạch tăng vốn của ngân hàng có thành công trong năm 2019 hay không.
Trong một cuộc hội thảo gần đây, lãnh đạo NHNN cho biết cơ quan này khuyến khích các ngân hàng đã áp dụng Basel II được hưởng cơ chế riêng, song cũng có sự kiểm tra và yêu cầu cao hơn. Nếu các ngân hàng vi phạm Thông tư số 41 thì sẽ có chế tài, bị xử lý nặng gấp đôi so với các ngân hàng khác. Điều đó cho thấy NHNN tạo điều kiện cho NHTM nhưng các NHTM phải thể hiện trách nhiệm với NHNN.
Đánh giá về khả năng hoàn thành lộ trình này vào đầu năm 2020, chia sẻ với báo chí mới đây, bà Trần Thị Thu Hằng, đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng của NHNN, cho biết một số ngân hàng đang trong quá trình kiểm soát đặc biệt và gặp khó khăn trong việc tăng vốn, nên khả năng thực hiện đúng lộ trình Basel II sẽ khó khăn.
Do đó, khi sửa đổi Thông tư 36, NHNN đã bổ sung điều khoản của Thông tư 41 cho phép các ngân hàng có thêm thời gian thực hiện Thông tư này.
Tuy nhiên, đại diện cơ quan quản lý cũng nhấn mạnh điều đó không đồng nghĩa là giãn hay hoãn, mà sẽ có những điều khoản chặt chẽ, yêu cầu quy định về hệ số rủi ro cao hơn đối với những ngân hàng này.
Đồng thời, hoạt động thanh tra giám sát đối với các thành viên này cũng sẽ chặt chẽ hơn nhiều.
“Đây được coi như biện pháp trừng phạt đối với các nhà băng không thực hiện được đúng lộ trình”, đại diện NHNN cho biết.