Giữ chân FDI không dễ

Theo Ngọc Khanh/thoibaonganhang.vn

Theo các chuyên gia, chính sách thu hút FDI mà các quốc gia công bố trong thời gian vừa qua là rất rõ ràng, có trọng tâm, và Việt Nam cần căn cứ vào đó để đưa ra những chính sách cụ thể của riêng mình.

Cần cải thiện kết nối của DN FDI và gia tăng hiệu ứng lan toả. Nguồn: internet
Cần cải thiện kết nối của DN FDI và gia tăng hiệu ứng lan toả. Nguồn: internet

Cạnh tranh khốc liệt

Thông tin Samsung rời dây chuyền sản xuất từ Việt Nam sang Ấn Độ đã được xác định là không chính xác. Tuy nhiên đây cũng là dấu hiệu cảnh báo cạnh tranh thu hút FDI đang ngày càng khốc liệt. Trên thực tế, lo ngại DN FDI không thể “ăn đời ở kiếp” tại Việt Nam đã được nhắc đến từ lâu, song cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại, cũng như diễn biến của dịch Covid-19… vấn đề đang được đặt ra cấp bách hơn.

TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đánh giá, dịch Covid-19 đặt ra những thách thức mà thế giới phải đối mặt trong một viễn cảnh xa hơn, đó là sự đứt gãy, tái cấu trúc trong các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và sự “quay đầu” của các dòng vốn FDI.

Theo kết quả nghiên cứu được Bank of America đưa ra hồi giữa tháng 8, ngay từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều tập đoàn Mỹ và châu Âu đã bắt đầu quá trình dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc tới các nước khác do lo ngại căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, chi phí lao động tăng cao. Đặc biệt đại dịch Covid-19 bùng phát khiến 80% lĩnh vực kinh doanh trên toàn cầu đối mặt với sự gián đoạn chuỗi cung ứng, đã đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn. Khoảng 67% doanh nhân tham gia vào khảo sát của ngân hàng này cho rằng, việc các công ty đưa chuỗi cung ứng từ Trung Quốc về quê hương hoặc đến các thị trường khác sẽ là thay đổi lớn nhất trong thời kỳ hậu dịch Covid-19.

Động thái chính sách từ nhiều quốc gia trong thời gian gần đây cũng đã cho thấy thế “giằng co” mới trong cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài, trong thúc đẩy và tận dụng cơ hội dịch chuyển đầu tư hậu Covid-19, đã bắt đầu. Theo đó, Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… lần lượt có các chính sách để kêu gọi DN nước này “về nhà”, hoặc dịch chuyển sang nước khác. Các quốc gia ở thế cạnh tranh thu hút FDI với Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… cũng ngay lập tức công bố một loạt chính sách thu hút đầu tư mới.

Mấu chốt là kết nối, lan toả

Theo các chuyên gia, chính sách thu hút FDI mà các quốc gia công bố trong thời gian vừa qua là rất rõ ràng, có trọng tâm, và Việt Nam cần căn cứ vào đó để đưa ra những chính sách cụ thể của riêng mình. Trước mắt cần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 58/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Theo đó, cần sớm xây dựng và công bố chính sách thu hút dịch chuyển dòng vốn đầu tư; trong đó cần nêu rõ lĩnh vực ưu tiên, địa phương ưu tiên, gắn với quy hoạch tổng thể để tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương. Về lâu dài, cần chú trọng đến việc thu hút FDI có chất lượng, cả về tạo giá trị gia tăng, lan tỏa công nghệ, kỹ năng cao, và phát triển bền vững…

TS. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, giai đoạn vừa qua, chính sách quản lý và thu hút đầu tư nước ngoài đã tập trung vào việc nâng cấp chính khu vực FDI, trong khi lại bỏ qua các chương trình cụ thể để cải thiện kết nối DN FDI và gia tăng hiệu ứng lan toả.

Theo đó, mặc dù chính sách FDI tuy không đề cập trực tiếp đến nội dung này, nhưng vẫn còn có chênh lệch về nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, còn có một quan niệm đã lỗi thời trong bối cảnh hiện nay, đó là đầu tư FDI định hướng xuất khẩu được ưa thích hơn FDI trong chuỗi cung ứng trong nước. Quan niệm này sẽ lỗi thời trong bối cảnh dịch Covid-19 đang làm đẩy nhanh chủ nghĩa bảo hộ, khiến các nước quay trở lại tập trung vào thị trường trong nước hoặc khu vực.

Bên cạnh đó, theo ông Thắng, chính sách thu hút FDI giai đoạn vừa qua phụ thuộc phần lớn vào các giải pháp ưu đãi thuế dựa trên vốn và chi phí nhân công để thu hút NĐT. Đồng thời, một số rào cản thực tế hoặc theo nhận thức đang cản trở đầu tư trong các lĩnh vực mà FDI có thể đem lại nhiều giá trị nhất. Cần có thay đổi về tư duy nói chung để chuyển từ một hệ thống dựa trên quy định, bảo hộ, chính sách ưu đãi dựa vào vốn… sang một hệ thống tập trung hơn vào hội nhập chuỗi cung ứng trong nước, mở cửa, đổi mới sáng tạo lấy công nghệ làm đầu vào phát triển kỹ năng, liên doanh, chính sách ưu đãi dựa trên hiệu quả.

TS. Võ Trí Thành - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khuyến nghị, trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng và chuyển hướng chiến lược sang thu hút FDI có chất lượng, cần tập trung vào chính sách hình thành và phát triển cụm liên kết ngành để tạo dựng mạng sản xuất, chuỗi giá trị cùng nâng cao năng lực công nghiệp hỗ trợ và năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam. Bởi việc kết nối chặt chẽ giữa FDI với DN trong nước mới thực sự là cách thức hiệu quả để khu vực FDI “ăn sâu bám rễ” tại Việt Nam.

Ông Thành cho biết, trên thực tế ở Việt Nam đã hình thành các cụm liên kết ngành, song các cụm hiện hữu vẫn thiếu tính bền vững, sự kết nối còn lỏng lẻo, tác động liên kết đối với các DN trong cụm và bên ngoài cụm hạn chế. Bên cạnh đó, hỗ trợ cho các hoạt động liên quan đến liên kết, tích tụ công nghiệp, chuỗi giá trị, mạng sản xuất... còn chưa được sự quan tâm, hỗ trợ đúng mức của chính quyền, hiệp hội ngành hàng. Còn thiếu các chương trình cụ thể, lâu dài, bền vững tác động thật sự hữu ích đến DN.

Để giải quyết hiệu quả bài toán phát triển các cụm liên kết ngành, ông Thành cho rằng trước hết cần có các công ty đầu đàn, tiên phong, nhất là các công ty đa quốc gia và cả trong nước. Sau đó, cần có mạng lưới các công ty cung ứng hoạt động hữu hiệu, hoặc có được công nghiệp hỗ trợ phát triển; và các nền tảng kinh tế với những nhân tố sản xuất cơ bản như nguồn nhân lực, công nghệ, khả năng tiếp cận vốn, môi trường kinh doanh và kết cấu hạ tầng cơ bản.

Trên những nền tảng này, các mối liên kết và quan hệ hợp tác, cạnh tranh, cung ứng, tiêu thụ và sản xuất của các DN quần tụ tại cụm liên kết ngành sẽ được định hình và phát triển; tạo nên mạng lưới các công ty cung ứng, phục vụ và đáp ứng được nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ đầu vào cho sản xuất để sản xuất ra sản phẩm và dịch vụ cuối cùng phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.