Giữ vững “ngọn lửa” cải cách

Theo Nguyễn Thủy/daibieunhandan.vn

Nhen “ngọn lửa” cải cách thể chế đã khó, giữ được nhiệt của cuộc cải cách đó còn khó hơn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, quan trọng là phải duy trì và củng cố lòng tin của nhân dân vào quyết tâm cải cách của Nhà nước. Niềm tin của người dân và doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào những bước đi tiếp theo của Chính phủ trong nỗ lực xây dựng nhà nước kiến tạo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khẳng định vai trò nhà nước kiến tạo

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đã thể hiện rõ quan điểm xây dựng nhà nước kiến tạo, đó là nhà nước pháp quyền, tạo hiệu quả, hiệu lực quản lý, xây dựng thể chế thuận lợi cho kinh doanh, phát huy dân chủ và tạo nên nền hành chính chuyên nghiệp. Vì thế, Nhà nước kiến tạo luôn phải hành động trên tinh thần phục vụ, với một vị thế bình đẳng, tôn trọng và hợp tác với các chủ thể còn lại của nền kinh tế.

Năm 2017, Chính phủ đặt trọng tâm và chỉ đạo thường xuyên, tạo áp lực hành chính với các bộ, ngành trong cải thiện môi trường kinh doanh. Ngay từ đầu năm, việc triển khai Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đã tiếp tục được triển khai mạnh mẽ. Tại Nghị quyết số 98/NQ-CP về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực của nền kinh tế, Chính phủ tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho việc cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh.

Nghị quyết xác định việc “bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng” là một trong 5 nhiệm vụ chủ yếu để phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Chính phủ giao các bộ, cơ quan tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ đã tích cực xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có các quy định về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp về cơ chế, chính sách để mở đường cho cộng đồng khởi nghiệp phát triển.

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành về tình hình Tết Nguyên đán Mậu Tuất vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục đôn đốc cấc bộ, ngành, địa phương cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo hứng khởi cho người dân, doanh nghiệp ngay đầu năm và giải phóng sức sản xuất.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, những rào cản đang dần được loại bỏ. Cách tiếp cận đồng hành, kiến tạo phát triển doanh nghiệp đang dần lan tỏa trong nhiều cấp, ngành và lĩnh vực. Những điều kiện kinh doanh được bãi bỏ có thể chưa tạo ra ngay được “cú hích” cho nền kinh tế, nhưng về dài hạn, đây chắc chắn là một bước đi tích cực và tạo hiệu ứng tốt.

Quan trọng vẫn là thể chế

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, cùng với Việt Nam, các nước trong khu vực cũng đang cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư. Bởi vậy những giải pháp đưa ra trong Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 cần tiếp tục triển khai quyết liệt. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, giảm chi phí để tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh quốc gia nói chung.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Kim Chung nhận định, quá trình xây dựng và thực hiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam diễn ra còn chậm và thiếu đồng bộ. Tư duy đổi mới về chế độ sở hữu vẫn chỉ được triển khai một cách “ngập ngừng”, đặc biệt là vấn đề sở hữu đất đai. Phân cấp về các nguồn tài nguyên thiên nhiên không chặt chẽ, dễ tạo ra các bất cập để bị lạm dụng vì những lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm.

Cùng với đó, cơ chế kiểm soát quyền lực, phân công, phân cấp còn nhiều bất cập. Chỉ ra nguyên nhân của thực trạng trên, ông cho rằng đó là do trình độ phát triển kinh tế còn thấp, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, năng lực thể chế hóa và hiệu lực quản lý, điều hành thực hiện của Nhà nước còn bất cập, công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ trong các doanh nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa cao.

Nhấn mạnh vai trò cải cách thể chế chính là chìa khóa quan trọng và vô cùng cấp thiết với nền kinh tế hiện nay, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Trần Thọ Đạt dẫn chứng, có những quốc gia nghèo tài nguyên nhưng phát triển và giàu có, trong khi có những quốc gia giàu tài nguyên lại không. Câu trả lời ở đây chính là do thể chế.

Trong bối cảnh đà tăng trưởng kinh tế đã bớt lệ thuộc vào chiều rộng và tài nguyên như hiện nay, để hỗ trợ cho tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế, cần có một thể chế tốt, một hệ thống pháp luật đáng tin cậy, ghi nhận và bảo hộ các quyền tự do sở hữu, tự do khế ước, tự do cạnh tranh giúp giải quyết các tranh chấp cũng như một chính quyền minh bạch, là điều kiện rất quan trọng để các nguồn lực có thể được phân bổ hiệu quả hơn, tiếp tục là động lực quan trọng góp phần vào thành công của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế.

Trưởng bộ môn Kinh tế công cộng, ĐH Kinh tế Quốc dân Vũ Cương thì cho rằng, quá trình xây dựng một nhà nước kiến tạo còn nhiều chông gai, đòi hỏi bản lĩnh và quyết tâm chính trị của cả bộ máy, một đường hướng chiến lược mạch lạc, bài bản để từng bước tạo ra sự chuyển mình.

Trong quá trình đó, việc Chính phủ có thể vượt qua những cản trở do lợi ích nhóm, tham nhũng, tha hóa quyền lực hay không sẽ quyết định thành công của cải cách. Nhen “ngọn lửa” cải cách đã khó, giữ được nhiệt của cuộc cải cách đó còn khó hơn. Quan trọng là phải duy trì và củng cố lòng tin của nhân dân vào quyết tâm cải cách của Nhà nước. Niềm tin của người dân và doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào những bước đi tiếp theo của Chính phủ trong nỗ lực xây dựng nhà nước kiến tạo.