Gỡ khó cho doanh nghiệp
Mặc dù những chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp, người lao động và người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19 đã đi vào cuộc sống, song hiện tại vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ và tháo gỡ.
Nhiều vấn đề còn vướng
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang, thời gian qua các doanh nghiệp trên địa bàn đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và tỉnh. Do ảnh hưởng dịch bệnh nên hoạt động sản xuất, tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp hết sức khó khăn.
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương, các doanh nghiệp từng bước đi vào hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Hiệp hội thường xuyên nắm bắt những khó khăn của doanh nghiệp để phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh Cần Thơ kiến nghị với UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Phần lớn những vấn đề doanh nghiệp còn vướng mắc liên quan đến bảo hiểm xã hội, y tế, chính sách thuế, ngân hàng hỗ trợ cho lao động làm việc 3 tại chỗ, làm việc tại nhà và hỗ trợ cho lao động tự do. Theo Công ty HTC Hậu Giang thì hiện tại người lao động của công ty làm việc tại tỉnh có 95% người lao động đang tạm ngưng làm việc.
Để hỗ trợ cho người lao động, thời gian qua, Công ty đã thực hiện các thủ tục có liên quan và đã gửi Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang về việc trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Đồng thời, công ty cũng nhờ Cục Thuế tỉnh Hậu Giang hướng dẫn quy trình, quy tắc ngắn gọn nhất để doanh nghiệp dễ nắm bắt các chính sách thuế.
Bà Nguyễn Thị Bé Tư - Giám đốc Công ty TNHH Thanh Khôi, ở Khu cụm công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, cho biết: Trong thời gian qua công ty đã thực hiện rất tốt trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Công ty có công nhân làm việc 3 tại chỗ, cho nên muốn biết cụ thể về quyền lợi của họ được hưởng là gì, còn không có đi làm được thì người lao đông được quyền lợi gì. Trong thời gian này, doanh nghiệp chưa thấy ngân hàng đến trực tiếp hỗ trợ thông tin về những chính sách về tín dụng mà hầu như đợi doanh nghiệp đến ngân hàng.
Ông Huỳnh Thông Minh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang, cho biết: Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội nên việc đi thu tiền sử dụng nước của khách hàng cũng ngưng lại.
Trong khi đó, để chia sẻ với những khó khăn cho người lao động thì việc trả lương, chi hoạt động thì công ty vẫn phải đảm bảo. Do đó, để cân đối nguồn thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, phía công ty cũng gặp khó khăn. Nếu không đóng thì buộc phải chịu lãi, vì vậy để giảm bớt áp lực cho công ty về tài chính trong giai đoạn này, đề nghị cho phép được ân hạn thời gian đóng bảo hiểm.
Còn đối với Công ty TNHH nuôi trồng chế biến thực phẩm sạch Tân Phát, cho rằng: Công ty có liên kết thu mua cá của người dân. Hiện tại, trong dân còn 300 tấn cá, nhưng do dịch COVID-19 diễn ra nên công ty không có nguồn nhân công làm việc, trong khi đó cá đã tới lứa thu hoạch mà doanh nghiệp không có vốn để thu mua nguyên liệu. Vì vậy, công ty nhờ phía ngân hàng hỗ trợ cho công ty vay vốn để thu mua cá cho người dân và đông lạnh gửi kho, khi nới lỏng thì doanh nghiệp sản xuất ổn định lại.
Ông Trần Vĩnh Chung - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ, cho biết: Theo Quyết định số 3089/QĐ-TLĐ ngày 24/8/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện 3 tại chỗ của doanh nghiệp tại địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg, công ty muốn các ngành hướng dẫn rõ cho công ty nắm sự hỗ trợ cụ thể cho người lao động làm việc 3 tại chỗ theo quyết định này. Đồng thời, theo Quyết định số 27 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất, công ty cũng xin các ngành tỉnh hướng dẫn về mặt thủ tục thực hiện.
Ghi nhận, tháo gỡ thắc mắc
Những vướng mắc này của các doanh nghiệp cũng đã được các ngành chức năng và địa phương, lãnh đạo tỉnh giải đáp cụ thể đến từng doanh nghiệp về các vấn đề hỗ trợ cho người làm việc 3 tại chỗ, chính sách bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp và những phương án tốt nhất có thể để giúp người lao động, doanh nghiệp hoạt động trong trạng thái bình thường mới.
Cụ thể, người lao động làm việc 3 tại chỗ thì mỗi người được hỗ trợ 1 triệu đồng (bằng nhu yếu phẩm). Đối với việc hỗ trợ lao động tự do thì giao địa phương cân đối ngân sách, tiêu chí phù hợp kinh tế mỗi địa phương. Đối với các vấn đề liên quan đến bảo hiểm, do khó khăn bởi dịch bệnh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hướng dẫn việc giảm miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp và tạm hoãn không tính lãi đối với các doanh nghiệp khó khăn.
Dịch COVID-19 đã làm cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, phát triển thị trường, bà Võ Thị Thu Hương - Phó Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, cho biết Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh có kết nối với VCCI chi nhánh Cần Thơ để hỗ trợ và giúp doanh nghiệp và cũng có những định hướng cụ thể trong thời gian tới.
Để tháo gỡ về chính sách tín dụng cho các doanh nghiệp, ông Hồ La Thành - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hậu Giang, đã đề nghị các ngân hàng có liên quan trực tiếp trao đổi với những khách hàng đang vướng mắc để tháo gỡ, có hỗ trợ kịp thời về tín dụng cho doanh nghiệp và người dân.
Theo đó, để tiếp tục giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, phát triển kinh doanh, toàn ngành ngân hàng đang tháo gỡ khó khăn như cơ cấu thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, tiếp tục giảm lãi theo quy định. Tiếp tục thực hiện các chính sách tín dụng hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu, kinh doanh lúa gạo, chính sách tổn thất cho nông nghiệp, chính sách nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, cho vay ứng dụng công nghệ cao...
Trước những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp do bị ảnh hưởng dịch COVID-19, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên hết sức chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp đã bị tác động bởi dịch bệnh thời gian qua.
Tuy nhiên, cũng rất mong cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ, thông cảm với chính quyền địa phương để cùng chung tay thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe, an toàn cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Mặc dù hết sức khó khăn, nhưng tỉnh rất quan tâm ưu tiên cho lực lượng công nhân, người lao động về vấn đề tiêm vắc-xin.
Chính sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các cấp chính quyền đồng thuận đã giúp cho tỉnh kiểm soát dịch COVID-19 một cách cơ bản. Tỉnh Hậu Giang ghi nhận những ý kiến, thắc mắc của cộng đồng doanh nghiệp để tiếp tục kiến nghị tháo gỡ cho phù hợp và cùng đồng hành với doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức, giúp doanh nghiệp tiếp tục phát triển.