Doanh nghiệp cần đổi mới tư duy để nâng cao năng suất

Cẩm An

Bên cạnh xác định mô hình sản xuất, lựa chọn quy mô sản xuất phù hợp, doanh nghiệp cần đổi mới tư duy để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả hoạt động thông qua việc ứng dụng các công nghệ quản lý tiên tiến trên thế giới. 

Các giải pháp nâng cao năng suất lao động có nhiều, song giải pháp mấu chốt nhất đến từ chính bản thân mỗi doanh nghiệp. Ảnh: Internet
Các giải pháp nâng cao năng suất lao động có nhiều, song giải pháp mấu chốt nhất đến từ chính bản thân mỗi doanh nghiệp. Ảnh: Internet

Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đã và đang là yêu cầu cấp thiết với mọi doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường nội địa lẫn quốc tế ngày càng gay gắt.

Các giải pháp nâng cao năng suất lao động có nhiều, song giải pháp mấu chốt nhất đến từ chính bản thân mỗi doanh nghiệp.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để nâng cao năng suất, đầu tiên doanh nghiệp cần xác định mô hình sản xuất phù hợp, lựa chọn quy mô sản xuất phù hợp, phát triển những sản phẩm mới có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đổi mới tư duy để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả hoạt động thông qua việc ứng dụng các công nghệ quản lý tiên tiến trên thế giới. 

Yếu tố khác được đề cập tới là hoàn thiện quản trị sản xuất, tăng cường các biện pháp và phương pháp khuyến khích động viên người lao động. Định kỳ đánh giá kết quả của các biện pháp hoàn thiện tăng năng suất lao động và công bố rộng rãi, khen thưởng kịp thời. 

Bên cạnh đó, điểm rất quan trọng là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cần xây dựng chiến lược kinh doanh song song với chiến lược phát triển nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho người lao động học tập, nâng cao kỹ năng chuyên môn làm việc.

Đồng thời, thúc đẩy việc nhân viên tự tìm tòi, học hỏi và tự nâng cao trình độ bản thân thông qua các khóa đào tạo trực tuyến, qua mạng internet và tạo môi trường học tập ngay tại doanh nghiệp...

Ở khía cạnh quản lý, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp có thể tích hợp tất cả yêu cầu của các tiêu chuẩn để xây dựng một hệ thống quản lý tích hợp (IMS) duy nhất đáp ứng sản xuất và vận hành hệ thống để năng cao năng suất.

IMS tích hợp tất cả hệ thống và quy trình của tổ chức thành một khung hoàn chỉnh với các công cụ năng suất, chất lượng cho phép tổ chức hoạt động như một đơn vị duy nhất với các mục tiêu thống nhất. Việc sáp nhập này cho phép một doanh nghiệp hợp lý hóa việc quản lý, tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả bằng cách giải quyết tất cả yếu tố của hệ thống nói chung.

Vì vậy, phương pháp tiếp cận khi tích hợp là chọn tiêu chuẩn ISO 9001 làm chuẩn, ứng với các điều khoản, doanh nghiệp sẽ chọn một hoặc một vài công cụ để áp dụng, xem như là một phương pháp thực hiện để đáp ứng yêu cầu của những điều khoản đó.

Các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ban hành từ năm 2015 trở lại đây đều tuân theo một cấu trúc thống nhất - cấu trúc tổng quát.

Việc đưa ra cấu trúc tổng quát chung cho các tiêu chuẩn sẽ giúp việc tích hợp nhiều hệ thống quản lý riêng lẻ được áp dụng trong doanh nghiệp thành một hệ thống quản lý tích hợp, bao quát toàn bộ hoạt động liên quan nhưng vẫn đảm bảo được bộ máy tổ chức tinh gọn, khoa học, không bị chồng chéo.

Thêm vào đó, khi tích hợp thêm công cụ sẽ giúp củng cố, gia tăng hiệu quả của hệ thống quản lý trong từng yêu cầu cụ thể.