Gỡ "thẻ vàng" IUU: Khắc phục hạn chế trong chuỗi sản xuất
Các bộ, ngành, địa phương đã và đang triển khai quyết liệt nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), hướng tới phát triển nghề cá bền vững, tháo gỡ “thẻ vàng” sớm nhất.
Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), với sự nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, đến nay, tình trạng vi phạm vùng biển các nước trong khu vực như: Indonesia, Malaysia, Thái Lan… của các tàu cá có xu hướng giảm dần. 8 tháng đầu năm 2021 chỉ còn xảy ra 43 vụ, giảm 21 vụ so với cùng kỳ năm 2020.
Đến nay, đã có 27.716/30.615 tàu được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt khoảng 90,5% tàu cá thuộc diện phải lắp đặt theo quy định. Công tác kiểm tra, giám sát tàu cá và sản lượng hải sản bốc dỡ tại cảng cá cơ bản đã được kiểm soát theo quy định.
Đánh giá kết quả sau 4 năm khắc phục “thẻ vàng” IUU, ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam- cho biết, gần 100 nhà máy chế biến hải sản đã tham gia cam kết sử dụng nguyên liệu chế biến được khai thác hợp pháp, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu cá ngừ.
Hiện, các đơn vị có liên quan đang tiếp tục khắc phục các hạn chế mà EC khuyến nghị, phấn đấu gỡ thẻ vàng trong năm 2022 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại cản trở nỗ lực phấn đấu của toàn chuỗi.
Là một trong số những DN tham gia chương trình cam kết chống khai thác IUU, ông Huỳnh Thanh Lĩn- đại diện Công ty TNHH Hải Vương cho hay, trên thực tế DN thu mua hải sản rất khó xác định hải sản đó có vi phạm IUU hay không vì không có đủ cơ sở dữ liệu đáng tin cậy. Nhiều trường hợp DN mua nguyên liệu, chế biến xong, nhưng khi làm hồ sơ xuất khẩu mới biết nguyên liệu vi phạm và không thể xuất khẩu. Do vậy, để chống khai thác IUU đồng bộ trong toàn chuỗi, cần có cơ sở dữ liệu được kết nối, chia sẻ từ các Chi cục thủy sản địa phương, Ban quản lý các cảng cá và DN thu mua.
Đồng quan điểm về vấn đề này, bà Phan Thị Huệ- Vụ trưởng Vụ Pháp chế thanh tra (Tổng cục Thủy sản) cho rằng, thời gian tới, cần phải khắc phục những hạn chế trong chuỗi thực hiện sản xuất, chế biến hải sản từ cơ quan quản lý nhà nước, đến DN, người dân; trong đó, DN là mắt xích quan trọng nhất.
Theo ông Nguyễn Quang Hùng- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, vẫn còn những yếu tố khách quan ảnh hưởng đến việc gỡ “thẻ vàng” khi nghề cá Việt Nam là nghề cá truyền thống, quy mô nhỏ, số lượng tàu cá rất lớn. Sau 4 năm bị EC phạt “thẻ vàng”, hải sản Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường EU. Các lô hàng xuất khẩu sang thị trường này sẽ bị kiểm tra rất kỹ, gần như 100% hồ sơ liên quan đến truy suất nguồn gốc cũng như việc đảm bảo khai thác là hợp pháp. Vì vậy, nỗ lực của Việt Nam là phải gỡ được “thẻ vàng” trong thời gian sớm nhất, giúp hải sản Việt rộng đường xuất khẩu sang EU.
Hiện, Tổng cục Thủy sản đang tích cực rà soát sửa đổi, bổ sung điều chỉnh Nghị định số 26/2018/NĐ-CP, Nghị định số 42/2018/NĐ-CP và các Thông tư trình ban hành trong quý IV/2021 nhằm hoàn thiện thể chế quản lý nghề cá bền vững có trách nhiệm và khắc phục các khuyến nghị của EC.