Gỡ vướng trong thanh toán khám chữa bệnh
Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, thời gian tới, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tiếp tục tháo gỡ vướng mắc trong quy định pháp luật về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT); khuyến khích cơ sở khám, chữa bệnh đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh.
Chậm liên thông dữ liệu
Theo báo cáo của Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, mặc dù đến nay tỷ lệ liên thông dữ liệu giữa cơ sở khám, chữa bệnh với Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam đã đạt 97,75%, nhưng tỷ lệ hồ sơ gửi lên Hệ thống trong ngày mới đạt 57,4%.
Đã có 98,7 triệu hồ sơ đề nghị thanh toán gửi lên hệ thống; tuy nhiên tình trạng gửi dữ liệu chưa đầy đủ vẫn tiếp diễn. Riêng trong 7 tháng năm 2018, có 5.611 lượt đề nghị gửi lại, bổ sung dữ liệu.
Tại những tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn có tỷ lệ lớn dữ liệu đẩy lên Cổng thông tin của Hệ thống thông tin giám định BHYT bị sai sót, được Hệ thống tự động phản hồi ngay khi tiếp nhận, nhưng các cơ sở khám, chữa bệnh chậm khắc phục…
Lý giải điều này, Phó Vụ trưởng Tài chính - Kế toán, BHXH Việt Nam Nguyễn Linh cho biết, nguyên nhân là do sự thiếu hợp tác của các cơ sở khám, chữa bệnh như phối hợp cung cấp hồ sơ chứng từ có liên quan, giải trình nguyên nhân vượt quỹ chậm, thuyết minh chưa đầy đủ, nhiều sai sót.
Ngoài ra, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT Nguyễn Tất Thao cũng cho biết, hiện nay quy định về cấp phép hoạt động với cơ sở y tế, chứng chỉ hành nghề tại Nghị định 108/2016/NĐ - CP chưa rõ ràng, còn nhiều bất cập.
Cơ quan BHXH cũng đang vướng mắc về căn cứ pháp lý trong việc thanh toán phẫu thuật tại các cơ sở khám, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động là phòng khám.
Trong Thông tư 50/2012/TT-BYT, một số dịch vụ kỹ thuật được phân loại phẫu thuật, thủ thuật không phù hợp. Hướng dẫn thực hiện xã hội hóa trong y tế; quy định về đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư y tế chưa đầy đủ...
Chưa kể, trong tổ chức thực hiện khám, chữa bệnh BHYT cũng cho thấy nhiều vướng mắc phát sinh như một số cơ sở khám, chữa bệnh được Sở Y tế cấp phép hoạt động có hình thức tổ chức không đúng quy định của Chính phủ; thực trạng đăng ký hành nghề khám, chữa bệnh, cấp chứng chỉ hành nghề và bổ sung hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề còn nhiều bất cập; nhiều cơ sở lắp đặt máy xã hội hóa sai quy định.
Ban hành văn bản hướng dẫn
Để tháo gỡ các khó khăn này, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn; sớm ban hành thông tư riêng về đấu thầu vật tư y tế; đồng thời hướng dẫn tháo gỡ một số vướng mắc trong thực hiện Thông tư 15/2018/TT-BYT về thống nhất giá khám, chữa bệnh BHYT bệnh viện cùng hạng vừa mới được ban hành…
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, BHXH Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Y tế ban hành bổ sung các văn bản hướng dẫn cụ thể việc mã hóa, chuẩn hóa dữ liệu; yêu cầu cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc việc chuẩn hóa và liên thông dữ liệu, tăng cường kiểm tra việc thực hiện; đồng thời quy định trách nhiệm và có chế tài xử lý đối với các đơn vị không thực hiện đúng quy định, làm sai lệch thông tin dữ liệu…
Ngoài ra, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc, đẩy nhanh việc giải trình, thuyết minh các chi phí khám, chữa bệnh vượt trần, vượt quỹ để sớm cùng BHXH tìm hướng giải quyết.
Theo đó, vừa tháo gỡ vướng mắc trong thanh toán chi phí, vừa khuyến khích cơ sở khám, chữa bệnh phải đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là liên thông dữ liệu trong ngày lên Hệ thống thông tin giám định BHYT...
Hai ngành BHXH và y tế cũng thống nhất phối hợp thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật BHYT tại 12 tỉnh, thành phố từ tháng 9. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc sử dụng dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Đồng thời, giải quyết vướng mắc, bất cập phát sinh.