Góc nhìn đa chiều của chuyên gia về sửa đổi 5 Luật Thuế

PV. (Tổng hợp)

Bộ Tài chính hiện đang lấy ý kiến rộng rãi đối với những nội dung sửa đổi các Luật Thuế. Ngày 12/9/2017, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp cùng Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Những điểm nhấn trong sửa đổi 5 luật thuế”. Tham dự Tọa đàm, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh; Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam Đào Huy Giám; Trưởng Ban Chính sách tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính Lê Thị Mai Liên đã có nhiều ý kiến đánh giá xác đáng, chuyên sâu với góc nhìn đa chiều về vấn đề này.

Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Mỗi một sắc thuế được ban hành tại những thời điểm nhất định đều phải thỏa mãn đầy đủ các mục tiêu như: Phát triển kinh tế xã hội, tác động của các cam kết quốc tế cũng như về vấn cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước... Đây là bài toán vô cùng khó đối với những cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng xây dựng, thông qua dự thảo Luật, trong đó có các Luật Thuế. Bởi vậy, hiện nay Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi về Dự án Luật sửa 5 Luật Thuế đang được dư luận rất quan tâm.
Tại chương trình tọa đàm trực tuyến, các chuyên gia đều có chung nhận định: Dự án sửa 5 Luật Thuế đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế nhằm mục tiêu cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước; Thực hiện mục tiêu cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế; Khắc phục những vướng mắc của các luật thuế hiện hành, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đã có những đề xuất quan trọng
TS.Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế
Trong lần điều chỉnh lần này, chúng ta có nhiều mục tiêu, trong đó có mục tiêu cần điều chỉnh nhất là bảo đảm quy mô tổng thu NSNN, mức động viên của nền kinh tế vào NSNN trong bối cảnh thu từ thuế xuất nhập khẩu chịu tác động như vậy, chưa kể  thu từ dầu thô gần đây đang chịu nhiều tác động không thuận nên tổng thu ngân sách. Do vậy việc điều chỉnh lần này, chúng ta quan tâm điều chỉnh quy mô bao gồm tổng quy mô và quy mô của từng sắc thuế trong tổng thu NSNN.

Trong Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị liên quan đến việc cơ cấu lại NSNN có nói đến việc cơ cấu lại vấn đề liên quan thuế trực thu và thuế gián thu. Lần này chúng ta lựa chọn thuế gián thu và trực thu, mà điển hình ở Việt Nam  là thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp

Với xu thế chung đó, những điều chỉnh về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân để ít nhất không tác động tiêu cực khả  năng cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp.

Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng đã có những đề xuất quan trọng như, giảm bớt các ưu đãi hỗ trợ không cần thiết và không thiết thực, đặc biệt trong bối cảnh gần đây mỗi khi chúng ta ban hành một cơ chế chính sách mới, dường như sự lệ thuộc, yêu cầu liên quan tới việc ưu đãi hỗ trợ thuế rất nhiều.

Thất thu thuế không chỉ liên quan đến việc ảnh hưởng quy mô thu ngân sách, quy mô thu thuế và phí, quan trọng nó tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng giữa những doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định về thu ngân sách và thuế với những doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc, trốn, lậu thuế. Việc điều chỉnh nội dung lần này có khá nhiều nội dung liên quan đến chống thất thu  thuế.

Cuối cùng là điều chỉnh thuế suất. Tôi cho rằng lựa chọn điều chỉnh thuế suất là lựa chọn nhạy cảm, tác động xã hội rất lớn. Do đó chúng ta lựa chọn ở đây là mức độ điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh và căn cứ điều chỉnh

Đặc biệt nội dung dự thảo lần này đã đưa ra cho người dân góp ý để tìm ra cơ sở điều chỉnh thuế suất. Cụ thể thuế suất phổ thông đối với thuế GTGT, hy vọng nội dung dự thảo 1 luật sửa 5 luật thuế sẽ được hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý, đáp ứng yêu cầu vấn đề thu chi ngân sách Nhà nước, đặc biệt yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước sau khi luật được Quốc hội thông qua.

Góp phần thực hiện chủ trương phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp

Ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, nguyên Trưởng Đại diện Thương mại Việt Nam tại WTO

Về thuế thu nhập doanh nghiệp, tôi đánh giá cao suốt thời gian qua, Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài chính đưa được thuế TNDN xuống 20% (ở các nước khác thì nằm trong khoảng 20-26%). Ở đây đề xuất đưa thuế TNDN nhỏ và siêu nhỏ xuống 17% và 15% là một đề xuất tích cực.

Tôi cho rằng với chủ trương phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay nếu đưa thuế xuất xuống 10-15% thay vì 15-17% chưa chắc đã giảm mức thu thuế cho NSNN, nhưng lại khuyến khích các doanh nghiệp và điều này cần ổn định trong thời gian dài.

Về thuế GTGT, tăng thuế là việc khó, giảm thuế là việc dễ, nhưng trong hoàn cảnh bắt buộc, nếu cần thiết chúng ta làm minh bạch rõ ràng để nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm. Bởi với mức đề xuất này về dịch vụ tăng 1%, hàng hóa tăng 2%, nhiều doanh nghiệp chưa chắc đã thay đổi giá cả. Nếu thực hiện sẽ làm tăng mặt bằng giá khoảng trên 1%, tác động đến vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp không lớn bởi vì tăng chung cho tất cả các doanh nghiệp. Tuy nhiên ở đây đòi hỏi sự minh bạch và nhiều giải pháp.

Tạo sự đồng bộ và thống nhất trong hệ thống chính sách pháp luật
Bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng Ban Chính sách tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính
Việc ban hành sửa đổi luật lần này là để khắc phục những tồn tại, hạn chế của các chính sách ở 5 luật thuế. Trong thời gian qua, qua quá trình thực hiện, 5 luật thuế bộc lộ nhiều hạn chế, đòi hỏi phải có sửa đổi bổ sung, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời cũng để xử lý những vấn đề mới phát sinh như là nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thực hiện các mục tiêu trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn, khoa học công nghệ và thúc đẩy xã hội hóa.
Bên cạnh đó, mục tiêu sửa đổi lần này chính là tạo sự đồng bộ và thống nhất trong hệ thống chính sách pháp luật, tạo sự thống nhất với các luật mới được Quốc hội thông qua như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản. Việc bảo đảm tính đồng bộ của các luật này nhằm để khuyến khích sản xuất và tiêu dùng, định hướng sản xuất và tiêu dùng cũng như định hướng nguồn lực trong nền kinh tế.