Gói 100.000 tỷ đồng không phải tiền Chính phủ
(Tài chính) Gói hỗ trợ tín dụng 100.000 tỷ đồng không phải của Chính phủ mà là đề xuất của Ngân hàng Xây dựng kết hợp với 4 ngân hàng quốc doanh hỗ trợ cho vay nhà ở, xây dựng hạ tầng.
Đó là khẳng định của TS. Lê Xuân Nghĩa ngày 24/2 trước những thông tin gây xôn xao dư luận về việc Chính phủ sắp tung ra thêm một gói hỗ trợ tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng nữa để vực dậy thị trường bất động sản.
Trao đổi về thực hư thông tin gây xôn xao dư luận "Chính phủ sẽ có thêm một gói tín dụng cho vay hỗ trợ thị trường bất động sản trị giá 100.000 tỷ đồng", TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tỏ ra buồn, vì những ý kiến của mình tại cuộc hội thảo về thị trường bất động sản diễn ra cuối tuần qua tại TP. Hồ Chí Minh đã được hiểu không chính xác.
Đại diện Ngân hàng Xây dựng cho biết, đúng là nhà băng này có đưa ra đề xuất trên. "Gói tín dụng có thể là 70.000 tỷ đồng tới 100.000 tỷ đồng chứ không cố định là 100.000 tỷ đồng. Hiện gói này chưa được phê duyệt từ các cấp có thẩm quyền".
“Tôi không hề nói gói tín dụng 100.000 tỷ đồng là của Chính phủ mà đây là đề xuất của Ngân hàng Xây dựng. Trong phần nói chuyện của mình tôi có đề cập tới Ngân hàng Xây dựng và bị hiểu lầm thành ngành xây dựng. Cách hiểu này hoàn toàn là sai”.
Theo nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, đề xuất về gói tín dụng hỗ trợ thị trường bất động sản mà Ngân hàng Xây dựng đưa ra là kết hợp với 4 ngân hàng quốc doanh lớn trong nước để thành lập Ngân hàng cho vay tái cấp vốn bất động sản.
Đây là mô hình liên kết giữa “4 nhà”, gồm: ngân hàng, nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu xây dựng (VLXD) và chủ đầu tư thể tạo thành một chuỗi giao dịch kép kín. Ví dụ, tiền mua VLXD của chủ đầu tư dành cho các công trình xây dựng nhà ở sẽ được ngân hàng giải ngân trực tiếp tới tài khoản của nhà cung cấp VLXD. “Điều này sẽ tránh được tình trạng đồng tiền đi ngang, đi chéo”- ông Nghĩa nêu quan điểm.
Đối tượng mà gói tín dụng này hướng tới là các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, chung cư, nhà ở, trong đó bao gồm cả nhà ở trong phố. “Nếu ai có đất muốn làm nhà, hay nhà nhỏ muốn xây thành nhà lớn hơn, hoặc cơi nới thêm tầng…. đều có thể vay được từ gói này” – ông Nghĩa nói thêm.
Hiện thị trường bất động sản đã có gói hỗ trợ tín dụng trị giá 30.000 tỷ đồng của Chính phủ và đang được giải ngân khá ì ạch, việc có thêm một gói tín dụng nữa trị giá tới 100.000 tỷ đồng liệu có cần thiết cho thị trường bất động sản, trong khi còn nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác cần hỗ trợ hơn?
Lý giải nghi ngại này, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, đây không phải là gói tín dụng cho không mà là cho vay theo lãi suất thị trường. Tuy nhiên, do mô hình hoạt động “4 nhà” khép kín và mục tiêu an sinh xã hội nên mức lãi suất cho vay của ngân hàng này sẽ có thể thấp hơn thị trường đôi chút.
Còn về khoản vốn “khủng” lên tới 100.000 tỷ đồng sẽ được lấy từ đâu để trở thành nguồn vốn hỗ trợ thị trường bất động sản, ông Nghĩa khẳng định, Ngân hàng Xây dựng hoạt động như một ngân hàng thương mại, nghĩa là có hoạt động huy động – cho vay, nên sẽ có phần vốn dành cho gói này. Ngoài ra, sự tham gia của 4 ngân hàng quốc doanh lớn sở hữu số vốn khổng lồ sẽ là “bà đỡ” cho gói tín dụng này.
Phía Ngân hàng Xây dựng cho biết chưa có nhiều thông tin về đề xuất này, vì "đây mới chỉ là đề xuất của Ngân hàng Xây dựng chưa được phê duyệt của các cấp có thẩm quyền, nên hiện tại chưa thể công bố thông tin chính thức tới báo chí".