Gói 38.000 tỷ đồng được giải ngân ra sao?
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam khuyến khích người lao động nên mở tài khoản ngân hàng, để việc giải ngân gói hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp được thuận tiện, nhanh chóng.
Sẽ giải ngân trong 1,5 tháng
Sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), với tổng trị giá gói hỗ trợ vào khoảng 38.000 tỷ đồng từ quỹ BHTN kết dư; Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ đã yêu cầu triển khai thực hiện gói hỗ trợ này trong 3 tháng, từ ngày 1/10 đến ngày 31/12/2021. Đồng thời, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đặt ra quyết tâm hoàn thành việc triển khai gói hỗ trợ này trong 1,5 tháng.
Trong đó, mức hỗ trợ của người đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau: Thời gian đóng dưới 12 tháng, nhận hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người; từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng nhận mức 2,1 triệu đồng/người; từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng tăng lên là 2,4 triệu đồng/người.
Đối với người đóng từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng, nhận hỗ trợ 2,65 triệu đồng/người; nếu đóng đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng thì nhận 2,9 triệu đồng/người; còn đóng đủ từ 132 tháng trở lên nhận 3,3 triệu đồng/người.
Trả lời báo chí, ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, cả nước hiện có 15 triệu lao động có đóng BHTN, trong đó có 13 triệu lao động và 386.000 đơn vị sử dụng lao động được thụ hưởng chính sách. Còn các đối tượng không được nhận hỗ trợ thuộc các đơn vị cơ quan nhà nước, và các đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên.
Về thủ tục hành chính, cơ quan BHXH sẽ căn cứ vào dữ liệu trên phần mềm Quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN để giải quyết quyền lợi cho các doanh nghiệp. Riêng với 13 triệu người lao động, sẽ dựa trên nền tảng dữ liệu công nghệ thông tin hiện có, để xác định người hưởng gói hỗ trợ bằng mã số định danh tham gia BHTN và xác định thời gian tham gia BHTN. Tất cả các thông tin này đã sẵn sàng trong hệ thống dữ liệu công nghệ thông tin của ngành BHXH Việt Nam. Số tiền chi trả được chuyển qua tài khoản các nhân từng người.
“BHXH Việt Nam đã dự kiến các quy trình thủ tục để triển khai gói hỗ trợ trên tinh thần quán triệt quan điểm đảm bảo triển khai các bước hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp một cách đơn giản, thuận lợi, nhanh nhất và chính xác nhất. Đồng thời, người lao động có thể đối soát các thông tin cá nhân, cũng như thời gian tham gia BHTN của mình để đảm bảo độ tin cậy.
Chúng tôi cũng khuyến khích người lao động nên mở tài khoản ngân hàng để việc giải ngân được thuận tiện, nhanh chóng. Còn những người lao động bảo lưu thời gian tham gia BHTN từ 01/01/2020 đến nay, những người đã ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động không ở doanh nghiệp, đã về các địa phương sẽ được cơ quan BHXH tỉnh/huyện sẵn sàng tiếp nhận đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ của người lao động, không phụ thuộc vào địa giới hành chính”, ông Sơn nhấn mạnh.
Động lực cho người lao động
Trước đó, nhiều đơn vị sử dụng lao động, Hiệp hội doanh nghiệp và các ngành hàng đều đồng loạt kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ về những gánh nặng chi phí liên quan đến bảo hiểm, công đoàn,... trong khi đang làm ăn thua lỗ. Bên cạnh đó, nhiều người lao động nghỉ việc không lương hoặc mất việc hoàn toàn do dịch bệnh cũng không biết phải nhận hỗ trợ thất nghiệp như thế nào. Đến nay, gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng được kỳ vọng phần nào giải quyết bài toán này.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện một doanh nghiệp tại Hà Nội cho biết, gói hỗ trợ này thực sự thiết thực khi đồng tiền đi vào đúng đối tượng, nhất là theo mục tiêu mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh “có đóng – có hưởng”. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm nhẹ một phần chi phí tài chính, mà còn giúp an sinh. Khi người lao động có thêm nguồn tiền, sẽ thoát khỏi cuộc sống eo hẹp, gia tăng chi tiêu cho cuộc sống, góp phần kích cầu trong nền kinh tế đang ảm đạm.
“Trong thời gian gần đây, Chính phủ đã liên tục ban hành các gói hỗ trợ, ở nhiều khía cạnh và hình thức khác nhau. Dù lớn hay nhỏ, nhanh hay chậm, thì tổng kết lại đều mang tới kết quả tích cực và giúp thúc đẩy sự lưu thông trên thị trường khi dòng tiền dồi dào hơn. Tuy nhiên, vẫn cần nhanh, đúng, trúng và đủ, không bỏ lại ai phía sau phải chịu thiệt thòi”, vị đại diện doanh nghiệp bày tỏ.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Đà Nẵng, tới đây là giai đoạn phục hồi của nền kinh tế, các doanh nghiệp phải chuẩn bị đón người lao động trở lại nhà máy sau thời gian dài gián đoạn vì giãn cách. Bên cạnh các yếu tố bảo đảm về phòng chống dịch, an toàn y tế, thì các chính sách phúc lợi sẽ là động lực rất lớn, để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn lao động.
TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, một số điểm mà cơ quan quản lý Nhà nước cần chú ý khi thực hiện chính sách, đó là:
Cần làm rõ việc người lao động có được cơ quan, doanh nghiệp thông báo, phổ biến đầy đủ về quyền lợi được hưởng, liên quan đến chính sách bảo hiểm mà mình đã đóng.
Bên cạnh đó, sự đồng hành của chính quyền địa phương cũng rất quan trọng trong công tác rà soát những người lao động trên địa bàn mình quản lý, tỷ lệ nghỉ việc, thất nghiệp ra sao và thông báo để người lao động đủ điều kiện làm thủ tục BHTN. “Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, các công tác hỗ trợ phải triển khai nhanh chóng, sát sao và toàn diện, phát huy được đầy đủ tác động của chính sách đến người dân mới là điều thiết thực”, ông khẳng định.