Gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế phải có quy mô đủ lớn, thời gian phù hợp

Việt Hoàng

Triển khai các gói hỗ trợ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế là một trong những nội dung quan trọng được đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chiều ngày 11/11.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chiều 11/11.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chiều 11/11.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư bao gồm các nội dung: Giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, các vấn đề như: Công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia; Tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển... cũng thu hút được sự quan tâm đặc biệt của đại biểu quốc hội và cử tri cả nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan đến nhóm vấn đề này. 

Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước tác động của đại dịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động lắng nghe ý kiến từ công động doanh nghiệp, khảo sát thực tế để tham mưu cho Chính phủ ban hành các giải pháp khắc phục khó khăn. 

Bên cạnh các chính sách đã ban hành, để kịp thời khắc phục các khó khăn đưa đất nước phát triển thích ứng, bền vững, hoàn thành các kế hoạch đã đề ra, Bộ đang nghiên cứu tham mưu xây dựng chương trình tổng thể phục hồi kinh tế trình Quốc hội trong kỳ họp tới. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn về giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong tình hình mới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn về giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong tình hình mới.

Trước đó, tại báo cáo về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dành một đầu mục riêng về các giải pháp dự kiến của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm trong các phiên thảo luận về kinh tế năm 2022 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chỉ ra một số nguyên nhân chính khiến lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng nhanh so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, hàng loạt nguyên nhân được chỉ ra như: Sự bùng phát mạnh của làn sóng COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài liên tiếp khiến hoạt động - sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề; Sức lực của nhiều doanh nghiệp đã bị bào mòn sau nhiều tháng liền chống chọi với dịch COVID-19; Nhiều nhà máy sản xuất, đặc biệt là ở khu vực phía Nam phải tạm ngừng hoạt động; Nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được khách hàng, hoạt động vận tải hàng hóa và chuỗi cung ứng cho sản xuất bị gián đoạn, đứt gãy, doanh thu giảm mạnh hoặc thậm chí không có doanh thu...

Trong bối cảnh đó, nhằm vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kịp thời tham mưu ban hành các chính sách chưa có tiền lệ như: Tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn; cơ cấu lại nền kinh tế; các cơ chế, chính sách đặc thù của một số địa phương... Gần đây nhất, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.

Đối với các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 105/NQ-CP, theo Bộ trưởng, đã được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao và kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ những vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt. Hiện nay, các giải pháp, nhiệm vụ đã và đang được các bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai thực hiện và cơ bản hoàn thành theo đúng tiến độ được giao...

Tại phiên chất vấn, trả lời vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm về các giải pháp triển khai các gói hỗ trợ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế nhìn từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các nước thường đưa ra các gói hỗ trợ rất lớn, quyết định rất nhanh, bất chấp kỷ luật tài chính, chấp nhận tăng nợ công... qua đó khôi phục kinh tế rất nhanh.

Về tài khóa, các nước đều có xu hướng tăng hỗ trợ cho y tế, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, miễn giảm thuế phí đối với những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; đầu tư cho hạ tầng.... Về tín dụng, nhìn chung các nước hỗ trợ lãi suất, nới lỏng quy định cho vay...

Đối với Việt Nam, gói hỗ trợ phải có quy mô đủ lớn, thời gian phù hợp, bảo đảm kinh tế vĩ mô, kết hợp linh hoạt chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ; gắn kết chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chính sách tái cơ cấu nền kinh tế; tính toán đến cả những tác động trong ngắn hạn, dài hạn; hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khả thi, hiệu quả... để nền kinh tế phục hồi, phát triển nhanh theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng chống dịch hiệu quả, bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn 2020-2025 đã đề ra.

Làm rõ vấn đề liên quan đến những chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công được nhiều đại biểu quan tâm, được nêu ra nhiều cuộc họp. Tuy nhiên, vẫn chưa được giải quyết, tỷ lệ giải ngân rất thấp. Nguyên nhân do công tác chuẩn bị hồ sơ, dự án còn nhiều bất cập, phải điều chỉnh nhiều lần. Bên cạnh đó, giải phóng mặt bằng là câu chuyện muôn thuở chưa giải quyết được vì liên quan đến những vướng mắc trong Luật Đất đai, dẫn đến khiếu kiện... Riêng năm 2021, còn có nguyên nhân ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thời gian giãn cách xã hội dài, thiếu lao động, chi phí vận chuyển tăng cao...

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đã phân cấp nhiều cho các địa phương, do đó, việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ còn có nguyên nhân từ các địa phương...