Google tôn vinh bánh mì Việt Nam
Hôm nay (24/3), Google Doodle đưa hình ảnh ổ bánh mì Việt lên trang chủ Google Tiếng Việt và tại hơn 10 quốc gia khác, kỷ niệm 9 năm từ “bánh mì” chính thức được đưa vào Từ điển Oxford.
Biểu tượng Google Doodle đưa hình ảnh ổ bánh mì Việt lên trang chủ Google Tiếng Việt và tại hơn 10 quốc gia khác, kỷ niệm tròn 9 năm "Bánh mì" được đưa vào Từ điển tiếng Anh Oxford (ngày 24/3/2011).
Với rất nhiều thành phần để tạo nên chiếc bánh mì kẹp - thức ăn phổ biến của người Việt Nam trong bữa sáng - Google nhận định chiếc bánh mì Việt Nam đại diện cho sự hòa quyện ẩm thực tinh tế của ẩm thực Việt trên thế giới.
Vào ngày này năm 2011 (24/3/2011), từ "Bánh mì" đã được đưa vào cuốn Từ điển tiếng Anh Oxford (Oxford English Dictionary) - cuốn từ điển bằng tiếng Anh đầu tiên trên thế giới.
Cụ thể, Oxford English Dictionary thêm từ "Banh mi" vào từ điển và giải nghĩa rằng đó là món ăn của người Việt Nam. "Banh mi" (cụ thể là bánh mì kẹp) được tạo nên từ bánh mì xẻ đôi, cho thêm phần nhân (phong phú) gồm pate, thịt, rau củ, sốt, tương ớt...
Theo đó, Google Doodle cho biết, bánh mì là món ăn "đại diện cho sự hoà quyện thực sự của các nền văn hoá". Bởi nhiều ghi chép cho thấy, đây là món ăn có cảm hứng từ Pháp, được bày bán tại những quầy hàng nhỏ trên các con phố Sài Gòn vào cuối thập niên 1950.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Google Doodle tại Việt Nam, một món ăn địa phương - món bánh mì, đã được chọn làm biểu tượng thể hiện trên trang Google, khác với những lần trước thường là các địa danh, sự kiện, hay nhân vật nổi tiếng.
Theo Google Doodle, một số người cho rằng, bánh mì kẹp xuất hiện rải rác lần đầu tiên ở những con phố nhỏ vào cuối thập niên 1950 ở Sài Gòn, tuy nhiên, nguồn gốc của chiếc bánh mì kẹp này đến nay vẫn chưa ai rõ, chỉ biết rằng, chiếc bánh mì Việt Nam (bánh mì không) lấy cảm hứng từ loại bánh mì baguette của Pháp. Về sau, việc thêm các thành phần, gia vị khác đã tạo nên chiếc bánh mì kẹp đặc sản của người Việt Nam.
Một chiếc bánh mì kẹp có thể kích thích vị giác của thực khách bao gồm: Một chiếc bánh mì không, nóng giòn được xẻ đôi để thêm vào các thành phần như pa-tê, các loại thịt (như giò lụa, thịt nguội, thịt viên, thịt gà...), rau củ chua chua giòn giòn (như dưa chuột, củ cải ngâm, cà rốt và rau mùi) rồi thêm dòng sốt mayonnaise thơm nức hòa quyện cùng dòng tương ớt cay nhẹ... Tất cả cùng hòa quyện vào nhau, khiến thực khách thưởng thức vô cùng hào hứng.
Chỉ bằng cách thay thế các hương vị châu Âu bằng nguyên liệu đậm chất Việt Nam, người Việt Nam đã tạo nên một món ăn mà chỉ khi đến đây, thực khách nước ngoài mới có cơ hội thưởng thức chúng tròn vẹn nhất.
Chiếc bánh mì kẹp trên thế giới cũng được biến tấu tương tự. Ngày nay, người ta có thể tìm thấy vô số các loại bánh mì kẹp trong các quầy hàng trên đường phố, chợ và nhà hàng trên khắp thế giới, từ New York, đến Seoul...