Hà Nội: Hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu

Theo thoibaonganhang.vn

Trong những tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu Hà Nội đã tăng trên 10% và góp phần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế địa phương phát triển. Bên cạnh nỗ lực lớn của bản thân, thì những chính sách hỗ trợ của thành phố đã góp phần rất lớn tạo thuận lợi để doanh nghiệp (DN) phát triển và vươn lên.

Hà Nội sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ DN để tiếp cận thị trường, nguồn vốn... phù hợp với cam kết quốc tế. Nguồn: Internet
Hà Nội sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ DN để tiếp cận thị trường, nguồn vốn... phù hợp với cam kết quốc tế. Nguồn: Internet
Có thể nói, trước tình hình kinh tế có nhiều khởi sắc, các DN cũng đã từng bước ổn định và phát triển sản xuất, số DN thành lập mới cũng không ngừng tăng lên. Trong 4 tháng đầu năm, Hà Nội đã có 7.516 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 56.731 tỷ đồng. Qua đó, nâng tổng số DN trên địa bàn thành phố lên con số 215.140. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu cũng được cải thiện.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, các Hiệp định thương mại song phương và đa phương thời gian qua có tác động rất lớn đến các DN xuất khẩu của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Đơn cử như Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã mở ra rất nhiều cơ hội cho DN. Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam cả về đầu tư và thương mại.

Trong những năm gần đây, thương mại hai chiều Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng tăng trưởng với mức cao. Việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc và Hiệp định thương mại tự do Asean - Hàn Quốc đã mang lại nhiều cơ hội cho DN cả 2 nước.

Các DN sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trên địa bàn Hà Nội cũng đã từng bước nắm bắt thông tin và có những kết nối hợp tác tìm kiếm khách hàng tại thị trường này. Đồng thời, có nhiều giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và một số thị trường như EU, Liên minh Kinh tế Á - Âu (Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan)... đã được ký kết hoặc cơ bản thống nhất về nguyên tắc, cũng mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều.

Tuy nhiên, để DN xuất khẩu tận dụng được thời cơ này đòi hỏi những giải pháp hỗ trợ cụ thể. Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, để hỗ trợ cho các DN, thời gian qua thành phố đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc cũng như hỗ trợ tối đa lợi thế cho DN.

Trong đó, nổi bật là việc cải cách các thủ tục hành chính, nhất là với các lĩnh vực hải quan, thuế, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, chứng nhận xuất xứ hàng hóa… hay tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư.

Đặc biệt, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Hà Nội sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ DN để tiếp cận thị trường, nguồn vốn, nhân lực chất lượng cao, công nghệ phù hợp với cam kết quốc tế. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN xuất nhập khẩu.

Mới đây, nhằm thúc đẩy xuất khẩu, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn thành phố năm 2017. Theo đó, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2017 trên địa bàn là 4,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 11.100 triệu USD, thành phố sẽ tập trung triển khai 10 giải pháp.

Trong đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng rộng rãi hơn việc thực hiện các thủ tục hành chính qua mạng internet, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho DN.

Ngoài ra, thành phố tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư nhằm đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm, DN, hỗ trợ xuất khẩu. Duy trì thường xuyên việc tổ chức hội nghị, giao ban, tiếp xúc DN để thu thập thông tin, nắm bắt tình hình, trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN; đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và kiến nghị cấp thẩm quyền giải quyết đề xuất của DN.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch TP. Hà Nội (HPA) chia sẻ, thời gian qua các tổ chức hỗ trợ như Hiệp hội Các tổ chức doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại nhằm tháo gỡ những vướng mắc cho DN. Trong đó, đối với mảng xúc tiến thương mại, nhiều Hiệp hội DN đã làm rất tốt khâu quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại.

Ví dụ để hỗ trợ DN nâng cao mẫu mã sản phẩm cạnh tranh với các DN nước ngoài, HPA đã thuê chuyên gia ngước ngoài tư vấn hỗ trợ thiết kế sản phẩm thời trang, phát triển xuất khẩu cho ngành may mặc; Tổ chức hội nghị quốc tế “Nâng cao năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm - Kết nối mạng lưới quốc tế vì một Thủ đô sáng tạo”; Thuê chuyên gia trong nước và ngoài nước tư vấn hỗ trợ thiết kế sản phẩm cho các DN thủ công mỹ nghệ và làng nghề nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Hà Nội.

Ngoài ra, HPA cũng đã tổ chức các đoàn DN tham gia Triển lãm Thailand Manufacturing Expo 2016 và giao dịch thương mại tại Thái Lan, kết hợp hoạt động xúc tiến đầu tư về công nghiệp hỗ trợ.

Đây là triển lãm hàng đầu khu vực về công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp tự động hóa, điện, điện tử… đem lại nhiều cơ hội cho DN ngành công nghiệp hỗ trợ của TP. Hà Nội để học hỏi, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên cũng theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, bên cạnh hỗ trợ của Nhà nước và thành phố thì phần chủ động vẫn phải là bản thân chính các DN.