Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, các địa phương đã tích cực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản (BĐS), nhưng do thời gian chưa nhiều và những khó khăn, vướng mắc còn kéo dài nên cần có thêm thời gian giải quyết.
Tại phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 diễn ra chiều tối 4/7, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã chia sẻ thông tin về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS của Tổ công tác Thủ tướng Chính phủ thời gian qua.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết, trong thời gian qua, Tổ công tác đã làm việc với nhiều địa phương, trong đó có 6 địa phương có nhiều dự án trọng điểm gồm: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, TP. Hải Phòng, TP. Đà Nẵng, TP. Cần Thơ và Đồng Nai. Qua làm việc với các địa phương trên, các vướng mắc chủ yếu là về thể chế; tổ chức thực hiện; vốn, thị trường trái phiếu, tín dụng.
Lý giải cụ thể vướng mắc về thể chế, Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, Tổ công tác đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản, công điện, trong đó có Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Bên cạnh văn bản trên, Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ trình Quốc hội các luật có liên quan đến lĩnh vực BĐS như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và các văn bản hướng dẫn khác.
“Chúng tôi kỳ vọng là trong Kỳ họp thứ 5 và kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ thông qua Luật Đất đai”, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nói.
Về vướng mắc trong tổ chức thực hiện, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Tổ công tác đã nhận được khoảng 108 văn bản từ các tỉnh, địa phương, doanh nghiệp. Bộ Xây dựng, cơ quan thường trực của Tổ công tác, đã rà soát, chuyển các văn bản này tới UBND tỉnh nếu thuộc thẩm quyền của các UBND tỉnh, thành phố; đồng thời, trực tiếp giải quyết các trách nhiệm thuộc bộ, ngành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề khó khăn.
Liên quan đến thị trường vốn, theo Lãnh đạo Bộ Xây dựng, thời gian qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; Thông tư số 03/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT- NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, gói tín dụng 120.000 tỷ dành cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Đối với các dự án cụ thể, ông Nguyễn Tường Văn cho biết, Tổ công tác đã giải quyết vướng mắc theo nguyên tắc đôn đốc các địa phương chủ động giải quyết các vấn đề theo thẩm quyền, bộ, ngành hướng dẫn tháo gỡ khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền và tham mưu Chính phủ giải quyết.
Đối với các dự án lớn, phức tạp, Tổ công tác làm việc trực tiếp để trao đổi. Cụ thể như một số dự án như ở Đồng Nai, Tổ công tác đã rà soát 7 dự án BĐS lớn của Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Hưng Thịnh về một số khó khăn, vướng mắc như dự án không thuộc quy hoạch hay vấn đề không bố trí 20% nhà ở xã hội. Theo đó, Tổ công tác đã tham mưu và Thủ tướng đã thống nhất phương án để sớm triển khai trong thời gian tới.
Tại TP. Hồ Chí Minh, Tổ công tác đã làm việc và giải quyết khoảng 30 kiến nghị về nhà ở xã hội, cải tạo chung cư và quy hoạch. Hay tại tỉnh Bình Thuận, liên quan tới Tập đoàn Novaland, Tổ công tác đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vấn đề giá đất, tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Qua làm việc cho thấy, các địa phương đã tích cực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án BĐS. Tuy nhiên, thời gian chưa nhiều và những khó khăn, vướng mắc còn kéo dài nên cần có thêm thời gian giải quyết”, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn thông tin.
Trong thời gian tới, Lãnh đạo Bộ Xây dựng đề nghị, các địa phương cần tích cực triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và coi đây là nhiệm vụ cấp bách quan trọng, thẩm quyền cấp nào thì cấp đó phải giải quyết dứt điểm, triệt để.