Thành lập 6 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm tại 12 tỉnh, thành phố

Theo Thu Trang/thoidai.com.vn

Để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và lễ hội Xuân 2018, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã triển khai Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội Xuân 2018.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, 6 đoàn kiểm tra sẽ được thành lập và tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố, bao gồm: Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh, Sơn La, Hòa Bình, TP.  Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cà Mau, Kiên Giang, Lạng Sơn và Cao Bằng từ ngày 20/1/2018 đến 5/2/2018.

Đối tượng thanh tra, kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố; tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Mậu Tuất và các lễ hội như thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, phụ gia thực phẩm và các cơ sở dịch vụ ăn uống.

Các đoàn Trung ương và tuyến tỉnh sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại.

Địa phương tiến hành thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các cấp, từ cấp tỉnh đến quận/huyện, xã/phường chủ động thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau Tết và lễ hội tùy theo đặc thù, điều kiện của từng địa phương từ ngày 1/1/2018 đến 2/4/2018.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn thanh tra, kiểm tra của tuyến trên sẽ làm việc với Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm của tuyến dưới để nắm bắt tình hình công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Mậu Tuất và mùa lễ hội Xuân năm 2018 tại địa phương, việc triển khai các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra.

Khi phát hiện vi phạm, các đoàn thanh tra, kiểm tra cần xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường; không để nội dung quảng cáo các sản phẩm không phù hợp quy định trên các phương tiện thông tin đại chúng; không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục có hiệu quả.

Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh: Ban Chỉ đạo sẽ tăng cường công tác truyền thông về trách nhiệm của chính quyền các cấp, người đứng đầu các đơn vị, cơ quan trong việc quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương, cơ sở.

Đối với người nội trợ, người trực tiếp chọn mua, chế biến thực phẩm cho gia đình và  người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, nội dung truyền thông tập trung phổ biến các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tuyên truyền chỉ  sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm...