Hai hàng hóa chính của thị trường carbon Việt Nam
Thị trường carbon tại Việt Nam là thị trường trong đó hàng hóa giao dịch được quy đổi ra đơn vị carbon là hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon.
Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon. Nếu thực hiện được các giao dịch tương xứng, Việt Nam có thể bán tín chỉ carbon với giá trị khoảng 300 triệu USD/năm. Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp Việt Nam xanh hóa nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp.
Trong Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã xác định hai loại hàng hóa chính gồm: hạn ngạch phát thải khí nhà kính (do Bộ Tài nguyên Môi trường phân bổ cho cơ sở thuộc danh mục phải kiểm kê khí nhà kính) và tín chỉ carbon do Bộ Tài nguyên Môi trường xác nhận được giao dịch trên sàn giao dịch tín chỉ carbon (được tạo ra từ chương trình, dự án tạo tín chỉ trong nước và quốc tế).
Cụ thể, hạn ngạch phát thải là khối lượng nhà kính, quy về đơn vị tấn CO2 tương đương mà cơ quan quản lý cho phép một cơ sở/đối tượng/tổ chức được phép phát thải trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu cơ sở đó phát thải quá hạn ngạch được quy định thì sẽ phải mua hạn ngạch của cơ sở khách hoặc tín chỉ carbon trên thị trường để bù vào phần vượt quá, hoặc sẽ bị phạt bởi cơ quan quản lý nhà nước.
Tín chỉ carbon là đại diện cho lượng tấn CO2 tương đương mà một hoạt động có thể tạo ra, dựa trên khả năng hấp thụ hoặc loại bỏ khí nhà kính của hoạt động đó, ví dụ như: Trồng rừng, thu hồi khí để phát điện, hoặc dựa trên khả năng giảm phát thải của hoạt động đó so với các hoạt động thông thường khác (năng lượng tái tạo…)
Thị trường carbon sẽ có sự tham gia của hai nhóm chủ thể chính là nhà đầu tư và tổ chức trung gian. Nhà đầu tư được hiểu bao gồm 3 đối tượng: Cơ sở thuộc Danh mục phải kiểm kê khí nhà kính; Tổ chức thực hiện chương trình, dự án tạo tín chỉ các bon trong nước hoặc quốc tế; Tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon.
Theo bà Đặng Thị Thủy - Trưởng phòng Pháp luật quốc tế về tài chính (Bộ Tài chính), về mặt vận hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý và vận hành thị trường carbon trong nước, đồng thời giám sát sàn giao dịch tín chỉ carbon, theo các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và các nghị định liên quan.
Để đảm bảo sự thành công của Đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon, bà Thủy cho rằng, cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, ban hành các quy định liên quan đến quản lý tín chỉ carbon, bao gồm việc đấu giá, chuyển giao và thu hồi hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế tài chính và hoàn thiện quy trình đo đạc, thẩm định giảm nhẹ phát thải.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cần nâng cao năng lực tổ chức và vận hành thị trường. Theo đó, cần kiện toàn bộ máy tổ chức, phát triển nhân lực, hạ tầng kỹ thuật và đảm bảo công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động của thị trường carbon.
Theo lộ trình đặt ra, đến cuối năm 2024, Việt Nam sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hạ tầng kỹ thuật; Nâng cao năng lực quản lý của cơ quan nhà nước và nhận thức của doanh nghiệp. Đến năm 2025-2027, thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, đánh giá kết quả thí điểm; Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hạ tầng kỹ thuật.
Từ năm 2028, sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức hoạt động; Nghiên cứu khả năng kết nối với thị trường carbon khu vực và thị trường carbon thế giới