Tiềm năng phát triển tín chỉ carbon rừng

PV

Việt Nam có lợi thế rất lớn với trữ lượng rừng phong phú và đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến lược cắt giảm phát thải khí nhà kính, hiện thực hóa cam kết Net-Zero, thông qua việc xây dựng các dự án tín chỉ carbon. Cùng với việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững, Việt Nam đang dần hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm đáp ứng các điều kiện để kinh doanh tín chỉ carbon rừng.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 02/5/2024 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon, đồng thời hoàn thiện thể chế, chính sách để triển khai dịch vụ carbon rừng.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 02/5/2024 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon, đồng thời hoàn thiện thể chế, chính sách để triển khai dịch vụ carbon rừng.

Tăng giá trị dịch vụ môi trường rừng

Theo số liệu của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, giai đoạn 2011 – 2018, bình quân rừng Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính đạt 18,3 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ)/năm do ngăn ngừa suy thoái và mất rừng.

Cùng với đó, phát triển rừng giúp tăng hấp thụ bình quân khoảng 38,5 triệu tấn CO2tđ/năm. Như vậy, tổng cộng cả hấp thụ và phát thải ròng từ rừng đạt 56,8 triệu tấn CO2 tđ. Tháng 9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia và theo đó, diện tích rừng đến năm 2030 khoảng 15,8 triệu ha – chiếm gần 1 nửa diện tích đất nước.

 

Tín chỉ carbon là loại hàng hóa có tính chất đặc biệt và theo đó, giá tín chỉ cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cá biệt có loại tín chỉ có giá lên tới 200 USD/tín chỉ, do trong kết cấu giá đã bao gồm đồng lợi ích tại khu vực tạo tín chỉ.

Chính phủ yêu cầu tập trung tăng chất lượng rừng để tăng bể chứa carbon, tăng giá trị dịch vụ môi trường rừng. Hiện còn rất nhiều diện tích rừng nghèo, rừng trung bình có thể được cải thiện. Với 30% trữ lượng carbon rừng tương đương mỗi năm, Việt Nam còn khoảng 17 triệu tín chỉ carbon có thể đưa vào thị trường carbon cả trong nước và quốc tế. Đây là nguồn tài chính lâm nghiệp có giá trị rất lớn.

Theo TS. Chử Văn Lâm - Phó Chủ tịch thường trực, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, hiện nay, phát triển rừng theo hướng đa giá trị là xu hướng được đẩy mạnh. Theo đó, ngoài các giá trị trực tiếp từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ và thủy điện (hiện mới chiếm khoảng 15% giá trị của hệ sinh thái rừng), nguồn lợi lớn khác đến từ rừng chính là các sản phẩm phi lâm sản và dịch vụ. Trong đó, phát triển thị trường carbon rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay. Điều này được thể hiện rõ trong Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ phê duyệt từ đầu năm 2024. Các giá trị nguồn lợi từ rừng cần được khai thác, phát huy hiệu quả và bền vững hơn nữa nhằm đáp ứng các yêu cầu mới cũng như hướng tới các mục tiêu net- zero mà Việt Nam đã cam kết.

Đồng quan điểm, bà Nghiêm Phương Thúy - đại diện Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, 2 dự án carbon lâm nghiệp đang được triển khai là Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERP) và Thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Các tiêu chuẩn tín chỉ khác nhau, nhưng chủ yếu nguồn tín chỉ đến từ kết quả giảm phát thải khí nhà kính nhờ bảo vệ rừng. Còn tín chỉ từ nguồn hấp thụ khí nhà kính qua hoạt động trồng rừng bổ sung, khoanh nuôi, tái sinh rừng hầu như không đáng kể. Nguyên nhân do các quy định xác định tín chỉ rất ngặt nghèo và các diện tích rừng trồng của Việt Nam đều khó đáp ứng tiêu chuẩn.

Nghiên cứu bổ sung thu nhập từ tín chỉ carbon vào diện được miễn thuế 

Về định hướng trong thời gian tới, bà Nghiêm Phương Thúy chia sẻ, ngành Lâm nghiệp sẽ tục triển khai các chương trình giảm phát thải và nghiên cứu thí điểm tín chỉ carbon có chất lượng cao (carbon xanh...); tăng cường truyền thông, tập huấn kỹ thuật, đặc biệt về kiểm kê khí nhà kính, báo cáo kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và xây dựng cơ sở dữ liệu.

Bên cạnh đó, thể chế chính sách về chuyển nhượng và quản lý tài chính nguồn thu từ tín chỉ carbon rừng sẽ tiếp tục được hoàn thiện; xác định rõ tiêu chuẩn các bon rừng Việt Nam và cơ chế vận hành, hướng dẫn xây dựng và triển khai thí điểm một số dự án có tiềm năng. Huy động nguồn lực trực tiếp và gián tiếp hỗ trợ các bên liên quan...

Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 02/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon, đồng thời hoàn thiện thể chế, chính sách để triển khai dịch vụ carbon rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai đánh giá tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ các-bon từ rừng cấp quốc gia, vùng, địa phương đến năm 2030 và có tính đến năm 2050. Phân bổ hạn ngạch giảm phát thải từ rừng cho các vùng sinh thái, các địa phương hằng năm giai đoạn 2021-2030.

Hiện nay, tại Dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về thu nhập được miễn thuế nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Trong đó, phát triển thị trường tín chỉ carbon là giải pháp quan trọng để thực hiện các mục tiêu về bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội thông qua năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022) cũng đã quy định về tín chỉ carbon, cơ chế trao đổi, chuyển nhượng theo chủ trương Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích phát triển tín chỉ carbon. 

Theo Dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hướng tới mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam, nhất là trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, cần nghiên cứu để bổ sung vào diện được miễn thuế đối với thu nhập từ tín chỉ carbon, trái phiếu xanh, tương tự như kinh nghiệm của các nước trên thế giới đang áp dụng.

Theo đó, tại khoản 10, Điều 4 Dự thảo Luật, Bộ Tài chính dự kiến sửa đổi theo hướng thu nhập từ chuyển nhượng tín chỉ carbon lần đầu sau khi phát hành, thu nhập từ tiền lãi và từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội xem xét vào Kỳ họp thứ 8 khai mạc ngày 21/10 tới đây và phê duyệt vào Kỳ họp thứ 9 (dự kiến diễn ra vào tháng 5/2025).