Hài hòa pháp luật thương mại và triển vọng trong khu vực ASEAN

PV.

Đây là chủ đề của Hội thảo quốc tế do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Ủy ban Liên Hợp quốc về luật thương mại quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNCITRAL) và trường Đại học Ngoại thương tổ chức ngày 24/11 tại Hà Nội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu quốc tế về thương mại đã khơi thông và giải đáp nhiều vấn đề nhằm giúp doanh nghiệp (DN) thi hành Công ước Viên năm 1980 về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của Liên Hợp quốc (CISG) có hiệu quả.

GS. Locknie Hsu, Đại học Luật, Đại học Quản lý Singapore cho biết, hội nhập kinh tế giúp ASEAN giảm thiểu các rào cản kinh tế; đa dạng trong pháp luật thương mại của ASEAN; khoảng trống ở các khu vực thương mại mới; áp dụng luật vào kinh doanh chuỗi cung ứng và hỗ trợ các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên, sự hợp tác trong pháp luật hợp đồng xuyên biên giới đang tụt hậu so với thực trạng và nhu cầu thương mại của ASEAN.

Khảo sát toàn cảnh nền kinh doanh ASEAN năm 2016 của Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) cho thấy, có 86% người được khảo sát trả lời mong chờ cơ hội thương mại và đầu tư tại ASEAN của công ty họ sẽ tăng trong năm tới; 66% người trả lời cho rằng, các thị trường của ASEAN sẽ trở thành nguồn thu toàn cầu quan trọng của họ trong hai năm tới.

Trong khi đó, có tới 75% những người quản lý tại 10 quốc gia khi được phỏng vấn đều tin rằng việc hội nhập của ASEAN là thiết yếu để giúp công ty họ kinh doanh trong khu vực.

Đến nay, các nước tham gia CISG tại châu Á bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Singapore, Hàn Quốc và Việt Nam.

Phân tích về CISG - Sự lựa chọn hiệu quả, GS. Locknie Hsu cho rằng, phạm vi điều chỉnh của CISG được thể hiện rõ ở 3 yếu tố: Thành lập hợp đồng mua bán xuyên biên giới (Điều 14-25 CISG); vi phạm (các quyền theo hợp đồng, lựa chọn và biện pháp khắc phục Điều 25-73 CISG); những sự kiện ngoài tầm kiểm soát của các bên mà ảnh hưởng tới việc thực hiện hợp đồng…

Từ khi Việt Nam gia nhập CISG vào cuối tháng 12/2015 đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta liên tục tăng trưởng. Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu năm 2010 là 26,5%, năm 2011 là 34,2%, năm 2012: 18,2%, năm 2014: 13,8% và năm 2015: 8,1%. Tăng trưởng nhập khẩu năm 2010 là 20%, 2011: 24,4%, 2012: 7,1%, 2013: 15,4%, 2014: 12,1% và năm 2015: 12%.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trung tâm Tổ chức Thương mại Việt Nam (WTO) và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đối tác mua bán chủ yếu thị trường xuất khẩu của Việt Nam là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc... chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của đất nước.

Tuy nhiên, cũng theo bà Trang, hầu hết các DN Việt Nam vẫn phải tốn khá nhiều thời gian để đàm phán về các nội dung hợp đồng. Trong nhiều hợp đồng còn thiếu những điều khoản về luật áp dụng theo quy định chung của CISG; Thậm chí các DN Việt Nam còn hiểu biết hạn chế trong giao kết hợp đồng... Tất cả các yếu tố này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khi tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa.

Bên cạnh đó, các chuyên gia đã thảo luận các vấn đề như: Công ước Viên 1980 – Một sự lựa chọn pháp luật hiệu quả và tác động về kinh tế của công ước này; soạn thảo hợp đồng theo CISG (có tính đến các giao dịch điện tử trong các hợp đồng quốc tế); áp dụng CISG ngoài hợp đồng mua bán hàng hóa (hợp đồng xuất khẩu nông sản, mua sắm chính phủ…); áp dụng CISG trong lĩnh vực trọng tài thương mại quốc tế; nghĩa vụ giải thích thống nhất CISG; CISG tạo nên sự hài hòa về pháp luật hợp đồng trong ASEAN.

Qua hội thảo, các DN, các chuyên gia pháp lý Việt Nam đã phần nào hiểu thêm về CISG, các lợi ích từ việc tham gia CISG cũng như lợi ích của việc áp dụng CISG cho các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà DN Việt Nam ký kết và các lưu ý khi áp dụng tham gia thực hiện.

Đây là những thông tin bổ ích và cần thiết đối với DN Việt Nam, từ đó giúp họ có thể vận dụng một cách hiệu quả CISG để bảo vệ các lợi ích chính đáng và hợp pháp của mình trong các giao dịch thương mại quốc tế, đặc biệt khi giải quyết tranh chấp tại tòa án hay trọng tài thương mại.