Hải quan lên tiếng chuyện nhập khẩu nông sản từ Trung Quốc
Tổng cục Hải quan khẳng định hàng hóa nông sản nhập chính ngạch từ Trung Quốc đều được quản lý chặt chẽ và tuần thủ các điều kiện về an toàn thực phẩm.
Vừa qua, có thông tin cho rằng hàng nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc qua khu vực cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn không rõ về nguồn gốc, xuất xứ; thủ tục hải quan không đúng quy định; thực nhập nhiều hơn khai báo với cơ quan Hải quan…
Liên quan đến các nội dung trên, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin lãnh đạo Tổng cục đã yêu cầu Cục Hải quan Lạng Sơn kiểm tra, làm rõ.
Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, về nội dung phản ánh của cơ quan báo chí cho rằng các mặt hàng nông sản được bán tại chợ Pò Chài (Trung Quốc) về Việt Nam không hề có thông tin về nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng. Cục Hải quan Lạng Sơn lý giải, thực tế, hàng hóa khi bốc xếp sang xe tại bãi Pò Chài (Trung Quốc) mới được DN Việt Nam dán nhãn phụ có thể hiện thông tin về hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ. Riêng mặt hàng tỏi có thể hiện hạn sử dụng 60 ngày kể từ ngày thông quan hàng hóa, mặt hàng nấm nhãn hàng hóa ghi rõ nhà sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng 30 ngày kể từ ngày sản xuất…
Liên quan đến thủ tục hải quan đối với hàng nông sản nhập khẩu, đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết: Theo quy định, cơ quan Hải quan chỉ thực hiện thông quan hàng hóa đối với các lô hàng nông sản với điều kiện có đầy đủ bộ chứng từ hải quan và các giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu; Giấy chứng nhận kiểm tra an toàn thực phẩm (đối với hàng hóa là thực phẩm có nguồn gốc thực vật) do Trạm Kiểm dịch thực vật, Kiểm dịch y tế cấp.
Trường hợp cơ quan báo chí phản ánh “nhập nhiều, khai ít”, theo Cục Hải quan Lạng Sơn, qua quá trình làm thủ tục hải quan và qua thông tin xác minh từ phía doanh nghiệp thì việc tờ khai hàng hóa nhập khẩu khai báo 15.225 kg tỏi củ khô nhưng khi xuất hóa đơn GTGT thì thể hiện 32 tấn như thông tin đăng tải là không hợp lý. Bởi vì:
Thứ nhất, DN xuất hóa đơn trên cơ sở tờ khai nhập khẩu do vậy không có việc DN xuất hóa đơn số lượng nhiều hơn số lượng nhập khẩu để phải chịu thuế GTGT 5% ở khâu đầu vào với số lượng không nhập trên tờ khai. Mặt khác, nếu viết hóa đơn GTGT đầu ra nhiều hơn lượng hàng nhập khẩu thì DN không thể quyết toán với cơ quan thuế được.
Thứ hai, không có xe container nào chở được số lượng 32 tấn tỏi trên thực tế (xe container thường được đăng kiểm từ 15-17 tấn). Đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn phân tích, trường hợp trên có thể DN xuất hóa đơn bán cho lượng hàng trên 2 phương tiện và ở 2 tờ khai nhập khẩu khác nhau.
Đối với thông tin các xe hàng về Việt Nam đều phải dừng chờ “làm luật”. Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, thực tế khi xe vào bãi hàng nhập khẩu, xe dừng để chờ làm thủ tục bến bãi, kiểm dịch và kiểm tra thực tế hàng hóa (nếu có) và thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa theo quy định. Cơ quan Hải quan chỉ thực hiện nhiệm vụ giám sát thủ tục và kiểm tra hồ sơ hải quan; kho bạc Nhà nước tại điểm thu Tân Thanh thực hiện việc viết biên lại và thu tiền thuế, phí theo quy định.
Về giá khai báo hàng nông sản nhập khẩu, Cục Hải quan Lạng Sơn phân tích: Các mặt hàng hoa quả, nông sản nhập khẩu qua Chi cục Hải quan Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn) là mặt hàng truyền thống, thường xuyên nhập khẩu qua nhiều năm, giá khai báo ổn định.
Cụ thể, trong năm 2016 (tính đến hết 24-11-2016) mặt hàng tỏi nhập khẩu số lượng 59.405 tấn, giá khai báo 250 USD/tấn; mặt hàng nấm các loại số lượng 9.568 tấn, giá khai báo từ 400 – 3.500 USD/tấn; mặt hàng bưởi số lượng 276 tấn, giá khai báo là 160USD/ tấn. Đây là các mặt hàng có thuế suất thuế nhập khẩu 0% và không chịu thuế GTGT ở khâu nhập khẩu nên không thuộc đối tượng quản lý rủi ro, trọng điểm về kiểm tra, xác định trị giá của ngành Hải quan.
Đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn khẳng định: Trong những năm qua, Cục Hải qua Lạng sơn nói chung và Chi cục Hải quan Tân Thanh nói riêng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục, tăng thời gian làm việc của cán bộ công chức để thực hiện thủ tục hải quan nhanh chóng- chính xác, nhằm giảm thời gian thông quan, tiết kiệm chi phí cho DN.