Hải quan Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng

Khánh Chi

Cùng với sự phát triển ngành Hải quan, công tác hội nhập quốc tế của Hải quan Việt Nam đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa của ngành Hải quan, tạo thuận lợi cho hàng hoá xuất, nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh qua biên giới.

Ngành Hải quan tạo thuận lợi cho hàng hoá xuất nhập khẩu.
Ngành Hải quan tạo thuận lợi cho hàng hoá xuất nhập khẩu.

Đánh giá về những kết quả nổi bật trong tiến trình hội nhập quốc tế về hải quan giai đoạn qua, Tổng cục Hải quan cho biết, công tác hợp tác và hội nhập quốc tế của Hải quan Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ và đạt được những dấu ấn quan trọng. Qua đó, góp phần thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa của ngành Hải quan, tạo thuận lợi cho hàng hoá xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh qua biên giới, đồng thời tăng cường thực thi pháp luật hải quan, đảm bảo an ninh, chủ quyền lợi ích kinh tế quốc gia.

Trong khuôn khổ đa phương, tính đến nay, Hải quan Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết và triển khai khoảng 30 văn kiện/thỏa thuận hợp tác đa phương trong lĩnh vực hải quan trong các khuôn khổ có liên quan gồm: Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ASEAN, các hiệp định thương mại tự do đa phương. Việc tham gia các cam kết quốc tế đa phương đã giúp Hải quan Việt Nam tiếp cận và áp dụng các thông lệ, chuẩn mực quốc tế trong công tác quản lý hải quan ở Việt Nam, xây dựng Hải quan Việt Nam trở thành tổ chức hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực hiệu quả ngang tầm các cơ quan hải quan tiên tiến trong khu vực.

Trong khuôn khổ song phương, Hải quan Việt Nam luôn duy trì việc mở rộng quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau với hải quan các nước trên thế giới cũng như các nước trong khu vực. Từ mối quan hệ truyền thống với các nước, Hải quan Việt Nam đã mở rộng hợp tác bình đẳng về lợi ích với tất cả các nước thông qua việc việc đàm phán, ký kết và triển khai các văn kiện hợp tác song phương trong lĩnh vực hải quan với gần 40 Điều ước và Thỏa thuận quốc tế với hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ; trong đó có nhiều cam kết thực chất, mở rộng sang cả lĩnh vực phối hợp xác minh, điều tra chung và sử dụng thông tin chia sẻ trong các thủ tục tố tụng nhằm xác minh và ngăn chặn vi phạm hải quan.

Các thỏa thuận và điều ước quốc tế song phương đã tạo dựng khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác và trợ giúp lẫn nhau về các vấn đề hải quan giữa Hải quan Việt Nam với các nước, nâng cao hiệu quả tạo thuận lợi cho hàng hoá xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh qua biên giới, đồng thời tăng cường đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển các chất ma tuý hàng cấm qua biên giới, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật đảm bảo an ninh, chủ quyền lợi ích kinh tế quốc gia.

Hải quan Việt Nam từng bước khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế trên các diễn đàn hải quan quốc tế. Điển hình là việc tham gia vào các tổ chức quốc tế đang dần được chuyển hóa từ việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thành viên sang việc chủ động tích cực tham gia vào việc định hình cơ chế, thể chế hợp tác trong các tổ chức này với vai trò và vị thế ngày càng được khẳng định.

Hải quan Việt Nam là cơ quan đầu mối triển khai Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO (TFA) với những cam kết về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan. Song song với tiến trình hiện đại hóa ngành Hải quan với những cải cách mạnh mẽ về thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại, Hải quan Việt Nam đã đạt được những tiến triển nổi bật trong việc thực hiện Hiệp định TFA. Tính đến hiện nay, tỷ lệ thực thi Hiệp định của Việt Nam đã đạt 94,5% và sẽ đảm bảo thực thi hoàn toàn Hiệp định vào cuối năm 2024.

Hải quan Việt Nam cũng đã tích cực phối hợp với các đối tác triển khai các chương trình hợp tác trong khối như: dự án với Hoa Kỳ về “Thúc đẩy liên kết Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong thương mại điện tử về thủ tục quy định đối với các hàng hóa trị giá thấp”; dự án với Trung Quốc về “Tăng cường Dịch vụ và Giám sát thông minh của cơ quan Hải quan để tăng cường phát triển các khu vực thương mại tự do/khu vực cảng biển tự do”; dự án với Nhật Bản về “Xây dựng năng lực liên quan đến tự chứng nhận xuất xứ trong các FTA/RTA”.

Hải quan Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò tích cực trong việc kết nối, trao đổi với các cơ quan hải quan thành viên ASEM để triển khai các hoạt động hợp tác hải quan ASEM đã bị gián đoạn sau Đại dịch COVID-19, như: triển khai chương trình hành động hải quan chung về các chất nguy hiểm và lô hàng phế thải, chương trình hành động về kết nối hải quan ASEM do Việt Nam làm điều phối.

Song song với đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục chủ trì triển khai, thực hiện có hiệu quả các hoạt động, các chương trình, dự án hợp tác về công tác kiểm soát hải quan phòng chống buôn lậu ma túy, đảm bảo an ninh, an toàn như: Chương trình Kiểm soát Công-ten-nơ (CCP); Chương trình toàn cầu về ngăn chặn nhanh các chất nguy hiểm (GRIDS) trong khuôn khổ hợp tác với Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) thuộc Liên hợp quốc. Với những kết quả đạt được triển khai các hoạt động hợp tác với các đối tác này, đặc biệt là trong công tác kiểm soát phòng chống buôn lậu và vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới, Hải quan Việt Nam đã được các đối tác đánh giá cao và tiếp tục dành sự quan tâm và hỗ trợ thiết thực cho Hải quan Việt Nam về trang thiết bị kiểm soát cũng như tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ của Hải quan Việt Nam…

Trong thời gian tới, trước xu hướng phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc ứng dụng các công nghệ mới ra đời trong hoạt động quản lý của mình. Theo đó, các hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số nhằm hiện đại hóa công tác quản lý hải quan và tạo thuận lợi chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu.

Hải quan Việt Nam đã đưa ra định hướng chiến lược cho công tác hợp tác và hội nhập quốc tế đến năm 2030 với mục tiêu “Đẩy mạnh công tác hợp tác và hội nhập quốc tế về hải quan toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Hải quan Việt Nam trong cộng đồng hải quan thế giới”.