Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân
HĐND TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) vừa thông qua đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Theo đó, dự kiến có thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố trong giai đoạn từ năm 2021-2025.
Chặn bớt đà kẹt xe khu vực trung tâm
Trước đó, Sở GTVT TPHCM đề xuất UBND TPHCM đầu tư 250 tỷ đồng ngân sách xây 34 cổng thu phí ô tô vào khu vực trung tâm để hạn chế ùn tắc. Nếu nhìn vấn đề ở góc độ hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, khi chưa thể cấm xe máy, hạn chế ô tô bằng cách thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm sẽ khả thi. Dễ thấy gây kẹt xe nhiều nhất chưa phải là xe máy, mà là ô tô chiếm phần lớn mặt đường. Khi hạn chế ô tô sẽ tạo sự thông thoáng mặt đường, nếu tận dụng tạo thuận lợi cho xe buýt lưu thông nhanh, như bố trí làn riêng, sẽ giúp thu hút hành khách, thúc đẩy phát triển vận tải công cộng để người dân bỏ dần xe cá nhân.
Một người đi xe máy chỉ chiếm 1,2m2 mặt đường, trong khi một ô tô chiếm hơn 6m2 mặt đường, và không phải lúc nào cũng có đủ người trên ô tô, nhiều khi trên một ô tô 5 chỗ hoặc 7 chỗ hay thậm chí hàng chục chỗ nhưng chỉ có một người. Khu vực trung tâm phần lớn các tuyến đường hẹp, 2 ô tô lách nhau cũng có thể gây ùn ứ. Giờ cao điểm, chỉ một chiếc ô tô gặp sự cố dừng lại là có thể gây kẹt xe kéo dài. Một khi đã tiến hành thu phí ô tô vào khu vực trung tâm, sẽ làm cho các chủ phương tiện cân nhắc, hạn chế đi ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm, nơi thường kẹt xe, nhất là khung giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều.
Mặc dù nhiều năm liên tục chính quyền TPHCM đã đầu tư mua mới hàng loạt xe buýt và chi một khoản tiền không nhỏ để trợ giá, song thực tế vẫn không có nhiều người dân đến với xe buýt. Từ năm 2009, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng đáp ứng khoảng 25% - 30% nhu cầu đi lại cho người dân. Tuy nhiên, sau 10 năm, tỷ lệ này không tăng mà giảm xuống chỉ còn 4,3%. Xe buýt không thu hút được hành khách vì chạy chậm, không đúng giờ so với xe cá nhân, đi lại không thuận tiện. Việc khó phát triển giao thông công cộng còn có nguyên nhân, cơ quan chức năng đưa ra giải pháp, triển khai gặp khó thường dừng lại. TPHCM từng dự kiến thí điểm làn riêng cho xe buýt trên 2 tuyến đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ, nhưng trải qua thời gian khá lâu vẫn không thể triển khai do 2 tuyến đường này vốn đã bị quá tải.
Trước đây, từ năm 2003, cơ quan chức năng cũng từng thí điểm làn đường riêng cho xe buýt trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1 và quận 5), nhưng sau đó đã phải dừng lại. Hay như việc khuyến khích vận động công chức đi xe buýt, phát động phong trào đi bộ, ra quân xử lý lấn chiếm vỉa hè trái phép, cũng đều phải dừng lại, mọi thứ trở lại như cũ. Giao thông công cộng vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Quản lý tổ chức giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại cho một đô thị lớn có trên 10 triệu dân như TPHCM là việc rất phức tạp, khó khăn. Chậm phát triển giao thông công cộng càng khó hạn chế phương tiện cá nhân, giải quyết kẹt xe.
Tạo thuận lợi cho hoạt động xe buýt
Sau khi thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm, sẽ tạo thông thoáng mặt đường, nên chọn những tuyến đường hướng trục có luồng hành khách lớn và tần suất hoạt động cao để bố trí làn riêng cho xe buýt. Như đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Đình Chiểu, Cách Mạng Tháng Tám, Ba Tháng Hai, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng…
Làn riêng cho xe buýt vẫn có thể sử dụng cho các loại xe cứu hỏa, cứu thương, công an, quân đội, ngoại giao, cứu nạn hoặc làm nhiệm vụ khẩn, kể cả xe tang và tùy điều kiện có thể cho phép xe khách có chở người từ 12 chỗ ngồi trở lên. Những đường hẹp hơn, đủ 4 làn xe cũng dành làn ưu tiên cho xe buýt, vẫn cho phép các phương tiện khác như xe máy hay ô tô có thể lưu thông nhưng phải nhường đường mỗi khi có xe buýt, nhất là vào khung giờ cao điểm. Lúc đó, xe buýt sẽ di chuyển nhanh để thu hút hành khách, an toàn giao thông hơn, mặt đường được tận dụng tối đa.
Tại TPHCM, muốn giảm kẹt xe và phát triển xe buýt trở thành phương tiện giao thông công cộng chủ lực thu hút nhiều người sử dụng thì phải tạo thuận lợi cho xe buýt di chuyển nhanh và an toàn. Ngoài ra, giải quyết nạn chiếm dụng vỉa hè để hình thành thói quen đi bộ đến trạm đón xe buýt. Nếu làm theo kiểu dự trù rồi dừng khi gặp trở ngại sẽ không tới đâu cả. Cần thêm giải pháp trước mắt như cách nhiều thành phố lớn trên thế giới đã áp dụng để giảm kẹt xe lúc này.
Bên cạnh việc thu phí, có thể áp dụng quy định ô tô có biển số chẵn được vào nội thành các ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu; và biển số lẻ được vào các ngày thứ ba, thứ năm, thứ bảy; chủ nhật được lưu thông bình thường. Quy định số lượng ít nhất người ngồi trên ô tô 5 chỗ, 7 chỗ... lưu thông vào khu vực thường kẹt xe trong những khung giờ cao điểm. Ngoài ra, tăng thêm chi phí giữ xe và đậu xe, khuyến khích đi bộ, giải quyết dứt điểm lấn chiếm vỉa hè.
TPHCM có 8,94 triệu phương tiện cá nhân, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có hơn 825.000 ô tô (tăng gần 16%) và 8,12 triệu xe máy (tăng hơn 6%). Như vậy, chỉ trong khoảng 10 năm (từ năm 2010 đến nay) đã tăng thêm hơn 4 triệu phương tiện giao thông. Theo thống kê, bình quân mỗi tháng có 30.000 phương tiện giao thông đăng ký mới, tức mỗi ngày có 1.000 phương tiện đăng ký mới, trong khi đường giao thông rất khó mở rộng.