Hàng không tư nhân cần hỗ trợ tín dụng
Nhận thức rõ những khó khăn hiện tại, cũng như tiềm lực của ngành hàng không khi nền kinh tế mở cửa trở lại, mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) tạo điều kiện, hỗ trợ các hãng hàng không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, ngay trong văn bản này, NHNN chưa đề cập đến gói tín dụng hỗ trợ HHK tư nhân.
Cụ thể, NHNN đề nghị các TCTD tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện, hỗ trợ các hãng hàng không bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 phù hợp chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN và quy định hiện hành; coi nhiệm vụ hỗ trợ các hãng hàng không là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian từ nay đến cuối năm và các năm tiếp theo.
Tích cực làm việc, phối hợp các DN ngành hàng không để tư vấn, hỗ trợ, thực hiện các giải pháp tín dụng trong thẩm quyền của TCTD để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Bên cạnh đó, các TCTD tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ngành hàng không gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đồng thời, xem xét, quyết định việc duy trì hạn mức tín dụng, cho vay mới đối với DN ngành hàng không theo quy định hiện hành. Tiết giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng. Trên cơ sở năng lực, khả năng tài chính của mình, TCTD tiếp tục cân đối, xem xét giảm lãi suất đối với các khoản cho vay của DN ngành hàng không… Như vậy, chưa có gói hỗ trợ cụ thể nào được nêu trong văn bản nói trên; thay vào đó, nhà điều hành chỉ yêu cầu hệ thống dựa vào nguồn lực tài chính các NHTM và NHNN sẽ hỗ trợ theo đúng phạm vi quyền hạn được phép.
Trước đó, tại buổi làm việc ngày 28/9/2021, giữa đại diện của các hãng hàng không và đại diện các TCTD do NHNN tổ chức, các DN ngành hàng không đã rất tha thiết được hỗ trợ vốn thông qua các gói tín dụng ưu đãi để trang trải các chi phí hiện nay.
Điển hình, VietJet Air đề nghị hỗ trợ khoản vay tín dụng 4.000 - 5.000 tỷ đồng dưới hình thức tái cấp vốn từ các NHTM như đã áp dụng cho Vietnam Airlines và khoản tín dụng 8.000 - 10.000 tỷ đồng dài hạn trong thời gian 3 - 4 năm, lãi suất ưu đãi, giảm khoảng 4 - 5%.
Hay như Bamboo Airlines đề nghị được vay 5.000 tỷ đồng dưới hình thức tái cấp vốn như đã áp dụng với Vietnam Airlines và khoản tín dụng dài hạn với lãi suất và điều kiện ưu đãi.
Theo đó, dựa trên nhu cầu của từng đơn vị và tổng hợp kiến nghị toàn ngành, đại diện Hiệp hội DN hàng không Việt Nam đề nghị hai gói vay. Một là áp dụng cơ chế tái cấp vốn vay lãi suất 0% như đã áp dụng với Vietnam Airlines cho các hãng hàng không khác với quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng, thời hạn tối đa ba năm. Hai là cho phép các hãng hàng không thuộc Hiệp hội được vay gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất, ngân sách cấp bù lãi suất 4%, thời hạn: 3 - 4 năm.
Tại cuộc họp, đại diện BIDV thông tin, tổng hạn mức mà BIDV cấp cho VNA cũng như Bamboo là 3.300 tỷ đồng. Dư nợ cấp cho hai hãng hàng không này là 2.800 tỷ đồng. Thời gian qua, tổng dư nợ cơ cấu cho VNA là 12,4 triệu USD và hơn 715 tỷ đồng cho vay ngắn hạn. Từ nay đến hết năm, dự kiến BIDV cơ cấu thêm cho hai hãng hàng không này là 965 tỷ đồng nữa, đưa tổng dư nợ BIDV cơ cấu cho DN ngành hàng không là 1.700 tỷ đồng.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, chưa khi nào ngành hàng không lại khó khăn trăm bề như hiện nay. Máy bay thì phải phủ bạt hàng loạt. Thậm chí, nếu thời gian phủ bạt lâu quá, muốn bay lại thì cũng tốn rất nhiều chi phí cho việc kiểm định an toàn bay. Hiện tại, gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng dành cho Vietnam Airlines có quy mô lớn và ra đời sớm nhất. Điều này cho thấy, NHNN rất chia sẻ khó khăn với DN ngành hàng không, rất trách nhiệm với nền kinh tế. Theo tinh thần chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, và trong thẩm quyền của Thống đốc, NHNN luôn đồng hành với các DN ngành.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng chia sẻ thêm, ngành NH cũng là một ngành kinh tế, các NHTM cũng là DN. Và ngành NH cũng đang rất khó khăn. Trong đó, nhiệm vụ điều hành vĩ mô của NHNN về chính sách tiền tệ (CSTT) rất đáng lo trong trung hạn. Nếu như không bảo đảm được ổn định vĩ mô, giữ được giá trị đồng tiền, để lạm phát vượt 4% lên mức 7-8% thì bao nhiêu nỗ lực thời gian qua đều “đổ sông đổ biển”.
Trong trường hợp lạm dụng quá CSTT sẽ phải trả giá đắt khi lạm phát không kiểm soát được. Hệ lụy của việc bơm tiền quá mức sẽ là lạm phát trong vài năm tới. Đặc biệt độ trễ của CSTT, tái cơ cấu sổ sách đẹp. Cập nhật đến hiện tại, dư nợ ngành hàng không khoảng 24.000 tỷ đồng, chủ yếu được vay với lãi suất ưu đãi 5%. Nếu cộng cả đề xuất cho vay thêm 30.000 tỷ đồng thì dư nợ đội lên mức 50.000 tỷ đồng. Thật ra, con số này so tổng dư nợ toàn nền kinh tế là gần 10 triệu tỷ đồng thì vẫn không lớn.
Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, nhiệm vụ chính trị lớn nhất của ngành NH là kiểm soát lạm phát. Hiểu đơn giản, đưa lượng tiền ra và hút lượng tiền về, cũng như cân đối ngoại tệ, tỷ giá, làm sao cho không bị tác động nhiều vào giá cả. Sau đây, NHNN sẽ phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính để đề xuất gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không và sớm trình lên Chính phủ.
Cũng theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, khi kiểm soát dịch thành công, hoạt động hàng không nới lỏng hơn thì dòng tiền của các hãng hàng không sẽ quay về và bù đắp lại rất nhanh. Điều này khác hẳn một số lĩnh vực kinh tế khác, có khi phải tốn thời gian 5 - 7 năm thì mới có dòng tiền về.
Do vậy, ngành NH sẽ ưu tiên tạo điều kiện cho các hãng hàng không vay vốn. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, về việc tháo gỡ khó khăn cho hãng hàng không mới có duy nhất một gói tín dụng. Cụ thể, NHNN tái cấp vốn 0% để NHTM giải ngân khoản vay 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines trong gói 12.000 tỷ đồng mà Quốc hội cũng như Chính phủ cho phép.