Kiểm toán Nhà nước góp phần hoàn thiện chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng
Hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã giúp nâng cao trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc quản lý, điều hành tài chính tiền tệ; từ đó góp phần ổn định nền kinh tế.
Phát hiện các hành vi có thể dẫn đến rủi ro làm thất thoát
Trong những năm qua, KTNN đã kiểm toán các nội dung liên quan đến hoạt động của NHNN như: công tác điều hành chính sách tiền tệ, cung ứng tiền mặt, điều hành tỷ giá, công tác thanh toán, quản lý dự trữ ngoại hối của NHNN, công tác xử lý nợ tồn đọng... Đồng thời, thực hiện kiểm toán các chuyên đề như: Chuyên đề tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; Chuyên đề chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với việc phòng chống dịch COVID-19; Chuyên đề kiếm toán hệ thống/dự án công nghệ thông tin.
Qua kiểm toán, KTNN đã đưa ra các nhận xét, đánh giá về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng tại NHNN và các đơn vị được kiểm toán. Các kiến nghị giúp sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách, cách làm, giải pháp; phát hiện, cảnh báo những lỗ hổng chính sách, hậu quả có thể xảy ra. Đồng thời, đảm bảo cho NHNN và các đơn vị được kiểm toán tuân thủ đúng pháp luật, chế độ quản lý tài chính, kế toán, hoàn thành nhiệm vụ được giao và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.
Đáng chú ý, KTNN đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi có thể dẫn đến rủi ro làm thất thoát, lãng phí tài sản và phòng chống tham nhũng hiệu quả. Trong đó, các nhóm kiến nghị chủ yếu đã được KTNN đưa ra, như: kiến nghị về xử lý tài chính; kiến nghị về sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách; kiến nghị về chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại NHNN và các đơn vị trực thuộc NHNN.
Cùng với đó, KTNN đã thực hiện kiểm toán đối với công tác thanh tra, giám sát, cấp phép, xử lý ngân hàng yếu kém và cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Trên cơ sơ các nhận định, kiến nghị của KTNN, NHNN đã tiếp tục chú trọng tập trung nguồn lực thanh tra vào các đối tượng, lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro cao, dễ phát sinh tiêu cực và sai phạm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các rủi ro, sai phạm của tổ chức tín dụng, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng. Đồng thời, tăng cường và đổi mới công tác giám sát, đặc biệt là giám sát vi mô; giám sát, cảnh báo sớm rủi ro đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, các tổ chức tín dụng có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, hoạt động yếu kém, nguy cơ gây mất ổn định, an toàn hệ thống.
Tăng cường kiểm toán đánh giá hoạt động điều hành
NHNN với vai trò là cơ quan quản lý tiền tệ của quốc gia, chịu trách nhiệm xây dựng và thực thi chính sách tiền tệ với mục tiêu hàng đầu là bảo đảm ổn định giá trị của đồng tiền; thực hiện cung tiền cho nền kinh tế, kiểm soát lãi suất và là người cho vay cuối cùng. Vì vậy, NHNN có một vai trò và vị trí vô cùng đặc biệt trong nền kinh tế của Đất nước. Trong quá trình thực hiện chức năng của mình, NHNN cần đảm bảo tính độc lập, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Tính độc lập cao đòi hỏi sự minh bạch và trách nhiệm giải trình càng cao. Do đó, bên cạnh việc thiết lập và hoạt động hiệu quả của kiểm toán nội bộ, kiểm toán bên ngoài đóng một vai trò quan trọng trong trách nhiệm giải trình của NHNN, chứng nhận tính chính xác của báo cáo tài chính và tính hiệu quả của các cơ chế kiểm soát nội bộ.
Thời gian tới, KTNN sẽ tăng cường kiểm toán đánh giá hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của NHNN; kiến nghị cấp có thẩm quyền nhằm đảm bảo tính độc lập, minh bạch, tự chủ trong điều hành chính sách tiền tệ theo đúng các chuẩn mực quy định quốc tế.
Trên cơ sở các tư vấn và khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), NHNN đã triển khai nghiên cứu và từng bước chuyển đổi hoạt động kiểm toán nội bộ theo phương thức kiểm toán trên cơ sở rủi ro. KTNN sẽ phối hợp với NHNN trong công tác lập kế hoạch kiểm toán hằng năm nhằm đảm bảo không thực hiện kiểm toán nội bộ chồng chéo đối với các đơn vị thuộc NHNN. Đồng thời, có thể rút ngắn được thời gian, nội dung, phạm vi kiểm toán đối với các đơn vị thuộc NHNN mà vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn hệ thống, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán nội bộ của NHNN.
Đáng chú ý, theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Vì vậy, những đánh giá của KTNN về chi phí vận hành nội bộ là một trong những cơ sở, căn cứ để các tổ chức tín dụng tính toán giảm chi phí, lãi suất cho vay một cách phù hợp.