Hàng trăm nghìn tỷ đồng chờ chảy vào nền kinh tế
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết gói hỗ trợ lên tới 280 nghìn tỷ đồng giao cho hai “vị tướng” chủ lực của Chính phủ là Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cấp tốc tìm cách thông đường cho gói này chảy vào nền kinh tế ngay trong tháng 3/2020.
Gần hết quý I năm 2020, dịch bệnh COVID-19 phủ bóng đen lên toàn nền kinh tế. Thủ tướng kêu gọi cả bộ máy và người dân, doanh nghiệp, “dịch bệnh đang làm chúng ta khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba”.
Hiện, cả cộng đồng doanh nghiệp, như ví von của Thủ tướng là “như chiếc lò xo bị nén lại vì dịch bệnh”. Thủ tướng cho hay, ông đã nhận được được các thông tin cho rằng một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… sẽ sớm phục hồi sản xuất rất nhanh. Do đó, theo Thủ tướng, phải nhanh nhạy để sẵn sàng “bật dậy”, ngay khi vừa ngớt dịch, tất cả trở về guồng, tạo nên thắng lợi kép, vừa chống dịch thành công, vừa giữ vững kinh tế-xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ quả quyết sẽ cho triển khai nhanh chương trình tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện, giảm chi phí cho doanh nghiệp, kể cả miễn, giảm thuế, phí, lãi suất vay, giãn hoãn nợ, cho chậm nộp, kể cả thuế, phí bảo hiểm, đặc biệt là những lĩnh vực ngành nghề chịu tác động nặng nề do dịch bệnh COVID-19. Nhưng đây là sự hỗ trợ có chọn lọc, không cào bằng, không dàn đều.
Cụ thể về gói hỗ trợ 280 nghìn tỷ đồng, thì 250 nghìn tỷ đồng, trong đó là hỗ trợ tín dụng, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất chính sách tín dụng phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, báo cáo Thủ tướng trong tháng 3/2019.
Còn Bộ Tài chính nhận nhiệm vụ trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020; khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước, trước hết là gói hỗ trợ khoảng 30 nghìn tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020.
Không chỉ là gói hỗ trợ bằng tiền, Thủ tướng còn ra hàng loạt mệnh lệnh khác để tiếp tục phát quang đường cho doanh nghiệp. Phát quang đường cho doanh nghiệp là nỗ lực không ngừng của Chính phủ trong 4 năm qua và dù trong mùa đại dịch, nỗ lực này cũng không phút giây nào trùng xuống.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện ngay từ 25/2/2020 Nghị định số 22/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 139/2016/NĐ-CP về lệ phí môn bài, với nhiều quy định sửa đổi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khởi sự kinh doanh nhanh chóng, dễ dàng hơn.
Liên quan đến việc phát quang đường, từ năm 2017-2019 có tới gần 40 văn bản của Chính phủ chỉ đạo về nội dung cải cách đăng ký kinh doanh. Theo rà soát của Chính phủ, hiện đã có 29 văn bản quy phạm pháp luật của các bộ ngành về cắt giảm đăng ký kinh doanh, cắt bỏ gần 3.500 điều kiện kinh doanh. Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn nhận định, “cải cách đăng ký kinh doanh có thể coi là “thương hiệu” của Chính phủ nhiệm kỳ này”.
Gánh trách nhiệm giải bài toán rất hóc búa với “túi tiền quốc gia” là vừa hỗ trợ doanh nghiệp qua cơn khó khăn vì dịch bệnh, vừa đảm bảo ngân sách giữ được cân bằng, nhưng Bộ Tài chính vẫn lập tức “xung trận” ngay sau khi nhận được lệnh của Thủ tướng. Dự thảo Nghị định này đã nhanh chóng được soạn thảo với các tính toán chi ly nhất theo đúng tinh thần chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ.
Theo đó, như với việc thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT 5 tháng đối với số thuế GTGT phải nộp từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2020 (nộp thuế trong tháng 4 đến tháng 7) thì số thu NSNN của các tháng đó giảm khoảng khoảng 22.600 tỷ đồng (trong đó: số thuế GTGT giãn của doanh nghiệp theo ngành kinh tế: 11.700 tỷ đồng; số thuế GTGT giãn của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ: 10.900 tỷ đồng). Tuy nhiên, số thu NSNN của năm 2020 không giảm do doanh nghiệp phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 31/12/2020. Hay như đối với tiền thuê đất, dự kiến số tiền thuê đất được gia hạn khoảng 4.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu NSNN của năm 2020 không giảm do doanh nghiệp hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 31/10…