Hàng Việt “hụt hơi” ở thị trường ASEAN
Sau gần một năm gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), hàng Việt gặp nhiều khó khăn khi thâm nhập thị trường này. Ngược lại, hàng hóa của các nước trong khu vực đã tràn mạnh vào nước ta, nhất là từ Thái Lan.
Cạnh tranh khốc liệt
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2016, Việt Nam nhập khẩu 16,7 tỷ USD từ các nước ASEAN, trong khi xuất khẩu vào thị trường này chỉ đạt hơn 12,2 tỷ USD. Mức nhập siêu ghi nhận 4,5 tỷ USD, tăng hơn 400 triệu USD so với mức nhập siêu 9 tháng cùng kỳ năm 2015 (4,1 tỷ USD).
Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Thái Lan với hơn 6 tỷ USD, tiếp đến là Malaysia với 3,7 tỷ USD, Singapore 3,5 tỷ USD và Indonesia với 1,96 tỷ USD.
Tại Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu sang thị trường các nước ASEAN” diễn ra sáng 2/11, tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp thừa nhận, hàng hóa Việt Nam thiếu vắng tại thị trường ASEAN. Trên quầy hàng của các nước trong khu vực vắng bóng hàng Việt nhưng hàng hóa của họ lại được bày bán tràn lan ở nước ta.
Các doanh nghiệp cho rằng, mặc dù đã gia nhập “ngôi nhà chung” AEC, thị trường tiêu thụ rộng mở, thuế xuất khẩu giảm, giao thương dễ dàng hơn nhưng xuất khẩu sang các thị trường này không dễ.
Là doanh nghiệp dệt may đã có thâm niên ở thị trường ASEAN, Giám đốc Công ty TNHH Benew Nguyễn Thị Hải Yến cho hay, hầu hết các nước Malaysia, Thái Lan hay Campuchia đều đánh giá hàng Việt có chất lượng tốt. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là sự cạnh tranh gay gắt, đặc biệt với các sản phẩm của Thái Lan.
TS. Vũ Cường, đại diện Vụ châu Á, Thái Bình Dương, Bộ Công thương cho biết, nhiều năm qua hàng Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với hàng Trung Quốc, nay lại thêm hàng Thái Lan.
Trong cuộc cạnh tranh này, hàng Việt có dấu hiệu hụt hơi. Chẳng hạn, hàng Việt xuất khẩu sang Campuchia giảm 30-40% do nước này tăng cường nhập hàng từ Trung Quốc và Thái Lan.
Thị phần bị chia nhỏ
Tuy nhiên, kể từ khi gia nhập AEC, hàng hóa các nước lại tràn ngập thị trường Việt Nam khiến không ít doanh nghiệp lo ngại về thị phần.
Điều này thể hiện rõ nhất qua việc các “đại gia” Thái Lan liên tiếp chiếm lĩnh hệ thống Metro, Big C để khẳng định thị phần. Nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng nên hàng hóa Thái Lan len lỏi vào chợ dân sinh, cửa hàng tiện ích trên các khu phố.
Ngoài ra, đều đặn một năm hai lần, các doanh nghiệp Thái Lan tổ chức Hội chợ bán lẻ hàng Thái Lan nhằm thu hút người tiêu dùng với đa dạng hàng hóa, giá cả phải chăng khiến người dân chờ đợi từ lúc hội chợ còn chưa khai mạc.
Theo các chuyên gia, hàng Thái Lan có sức cạnh tranh khá cao với hàng Việt Nam do chủng loại hàng hóa tương đồng nhưng có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Trước đây, hàng Thái Lan thường đắt hơn hàng Việt Nam từ 5-20%. Tuy nhiên, khi Việt Nam đã là thành viên của AEC, sự tự do dịch chuyển hàng hóa trong nội khối với các rào cản thương mại được gỡ bỏ, giá cả không còn là lợi thế cạnh tranh của hàng Việt.
Hơn nữa, theo đúng nguyên tắc thị trường thì Việt Nam không được phép ngăn cản hàng hóa của các nước trong hệ thống ASEAN nếu như không có lý do chính đáng. Do vậy, việc tăng cường hiệu quả sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam là việc làm cần thiết.
Theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Tạ Hoàng Linh, để tận dụng các cơ hội và vượt qua các thách thức, quá trình hội nhập AEC cần đi đôi với việc phát huy nội lực, tăng cường sức cạnh tranh quốc gia.
Do vậy, Chính phủ cần thúc đẩy cải cách hành chính tập trung vào tạo thuận lợi thương mại; chú trọng thu hút sự hỗ trợ, đầu tư về cả vốn, kỹ thuật và chuyên gia từ các nước phát triển hơn trong nội khối nhằm đẩy nhanh quá trình dịch chuyển công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, tạo đà cho Việt Nam phát triển cân bằng hơn so với các quốc gia trong khu vực.
Cùng với đó, ông Tạ Hoàng Linh cũng khuyến cáo mỗi doanh nghiệp cần chủ động trong việc tìm hiểu thông tin, chuẩn bị cho mình một tâm thế cạnh tranh khu vực và quốc tế. Theo đó, cần có tư duy sáng tạo, đổi mới và sự nhạy bén trong kinh doanh cũng như kế hoạch xây dựng năng lực, đặc biệt về thương hiệu và chất lượng để kinh doanh quy mô và dài hạn trong tương lai.