Nhận diện môi trường kinh doanh 2017
Nhờ tiến hành nhiều cải cách, Việt Nam tiếp tục cải thiện tích cực thứ hạng trong Báo cáo Khảo sát môi trường kinh doanh toàn cầu 2017 của Ngân hàng Thế giới (WB).
Trước đó, theo báo cáo Doing Business 2008 được công bố năm 2007 thì Việt Nam có mức cải thiện 13 bậc. Kể từ đó cho đến năm 2014 thì xếp hạng của Việt Nam tăng giảm không ổn định. Từ năm 2014 trở lại đây, Việt Nam giữ được vị trí tăng hạng liên tục.
Trong năm qua, với 10 chỉ số được tính điểm thì Việt Nam có 5 chỉ số tăng hạng. Trong đó, chỉ số “Bảo vệ nhà đầu tư” tăng hạng nhiều nhất với 31 bậc, từ 118 lên vị trí 87, chủ yếu nhờ những cải cách của Luật doanh nghiệp 2014.
Tiếp đến là chỉ số “Giao dịch thương mại qua biên giới” tăng 15 bậc, từ vị trí 108 lên vị trí 93, nhờ giảm được thời gian thực hiện các thủ tục xuất khẩu và nhập khẩu (xuất khẩu giảm 39 giờ, nhập khẩu giảm 39 giờ). Với nỗ lực của Chính phủ trong hai năm qua về cải cách thủ tục hải quan và quản lý chuyên ngành, góp phần tạo nên sự tăng điểm và tăng hạng của chỉ số này.
Chỉ số thứ 3 có sự tăng hạng đáng kể là “Nộp thuế và bảo hiểm xã hội”, tăng 11 bậc, với thời gian giảm 230 giờ (từ 770 giờ xuống còn 540 giờ). Chỉ số “Tiếp cận điện năng” cũng cải thiện 5 bậc, chủ yếu nhờ tiếp tục rút ngắn thời gian xuống còn 46 giờ (năm ngoái là 59 giờ).
Chỉ số tăng hạng cuối cùng là “Giải quyết phá sản doanh nghiệp”, tăng 1 bậc (từ vị trí 126 lên thứ hạng 125). Nhưng lưu ý là chỉ số này tăng hạng không phải nhờ những thay đổi, cải cách mà do điểm đối chiếu giảm, do đó điểm xếp hạng của Việt Nam tăng lên.
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), kết quả xếp hạng môi trường kinh doanh của WB trong Doing Business 2017 cho thấy những nỗ lực của Chính phủ trong những năm qua về cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là việc thực hiện Luật doanh nghiệp 2014 và các Nghị quyết 19, đã đem lại kết quả đáng ghi nhận.
So với các nước ASEAN, Việt Nam là quốc gia có sự cải thiện tốt về thứ hạng (9 bậc), với mức tăng chỉ sau Brunei (tăng 25 bậc) và Indonesia (tăng 15 bậc). Một số nước như Malaysia trước đây luôn có mức cải thiện tốt, nhưng năm nay tụt 1 hạng do sự vươn lên của các quốc gia khác.
Tuy nhiên, 5 chỉ số khác của Việt Nam lại giảm bậc. Trong đó, “Khởi sự kinh doanh” giảm 10 bậc; “Cấp phép xây dựng” và “Tiếp cận tín dụng” mỗi chỉ số giảm 3 bậc; “Đăng ký sở hữu tài sản” và “Giải quyết tranh chấp hợp đồng” mỗi chỉ số giảm 1 bậc. Hầu hết các chỉ số giảm bậc một phần là do Việt Nam không có cải cách trong những lĩnh vực này, một phần là do các quốc gia khác đã có sự cải thiện tốt hơn Việt Nam.
Đáng chú ý là hầu hết các chỉ số của Việt Nam chưa đạt được trung bình của các nước ASEAN 4, thậm chí ASEAN 6. Một số quốc gia trong khu vực đã thực hiện nhiều cải cách và tiến nhanh hơn Việt Nam, điển hình là Indonesia và Brunei. “Như vậy, để đạt được mục tiêu ngang bằng các nước ASEAN 4 đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải cách toàn diện, nhiều và nhanh hơn nữa trên các lĩnh vực môi trường kinh doanh để theo kịp và vượt tốc độ cải cách của các quốc gia trong khu vực”, bà Thảo cho biết.
Cũng theo bà Thảo, một điểm cần lưu ý nữa là dữ liệu để tính toán, phân tích và so sánh trong Doing Business 2017 được chốt vào ngày 1/6/2016, tức là thời điểm Việt Nam vừa có Chính phủ mới và có thể nhiều nỗ lực của Chính phủ trong tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong thời gian qua chưa kịp được ghi nhận trong báo cáo này. Điều này hàm ý là kỳ vọng trong Doing Business 2018, các nỗ lực này sẽ được ghi nhận và lan tỏa, để các chỉ số của Việt Nam tiếp tục cải thiện tích cực hơn.
Tuy nhiên, chúng ta sẽ không ngồi yên đó để mong chờ những thông điệp và chính sách đã đưa ra sẽ được quốc tế ghi nhận, mà quan trọng hơn là từ chủ trương, chỉ đạo chung của Chính phủ, mỗi bộ, ban, ngành và các địa phương cần nỗ lực hết mình để cụ thể hóa, thực thi trên thực tế các chính sách đã đề ra nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.