Hành động vì niềm tin của người dân và doanh nghiệp
(Tài chính) GS., TS. Vương Đình Huệ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh rằng, để khơi thông mạnh mẽ các nguồn lực cho phát triển, cần phải coi đột phá về cải cách thể chế và hành chính là một trong những trọng tâm của năm 2014.
Phóng viên: Năm 2014 đã đến với những dự báo đan xen giữa thuận lợi và khó khăn của cả kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam. Để nói về bức tranh kinh tế 2014, ông muốn nhấn mạnh tới điểm gì?
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
Thứ nhất, đó là kinh tế năm 2013 đã đi qua với những điểm đã làm được và còn nhiều việc cần phải nỗ lực hơn rất nhiều. Đó là kinh tế vĩ mô phục hồi song chưa vững chắc, lạm phát được kiềm chế nhưng vẫn có nguy cơ tăng trở lại trong thời gian tới, tiến độ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước còn chậm và còn nhiều khó khăn, tỷ lệ nợ xấu có giảm, nhưng vẫn còn cao….
Đặc biệt, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn, số doanh nghiệp giảm quy mô, ngừng hoạt động vẫn tăng, ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của người lao động…
Những khó khăn hiện hữu đang đặt ra yêu cầu cao hơn về trách nhiệm, tính quyết liệt, nhất quán trong điều hành kinh tế năm 2014 nhằm tiếp tục củng cố tính vững chắc của kinh tế vĩ mô không chỉ trong năm 2014 mà những năm tiếp theo, để đạt được mục tiêu là phục hồi và tái cơ cấu kinh tế. Tôi muốn nhắc nhiều tới mục tiêu kiểm soát lạm phát. Cần lưu ý, đây không chỉ là vấn đề chữ nghĩa.
Trước đây là kiềm chế, nay là kiểm soát, hàm ý là việc kiểm soát có mục tiêu. Hàm ý cơ bản ở đây là giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa tăng trưởng và lạm phát, chuyển sang kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Chúng ta cần tìm ra một con số lạm phát hợp lý. Với mục tiêu này, chúng ta nên giữ mức lạm phát khoảng từ 6 - 7%.
Thứ hai, năm 2014 cũng là năm chúng ta tiếp tục triển khai 3 đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tiếp tục tập trung tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng. Dù ngân sách khó khăn nhưng tổng đầu tư cho phát triển năm 2014 đảm bảo không thấp hơn năm 2013.
Trong số trái phiếu chính phủ tăng thêm, chúng ta cũng đã xác định rõ trọng điểm sử dụng, có địa chỉ rõ ràng, đó là tập trung cho việc nâng cấp Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14, các công trình thủy lợi và bệnh viện và dành phần thích đáng làm vốn đối ứng cho nguồn vốn ODA… Hy vọng những khoản vốn “đầu tư mồi” này của Nhà nước sẽ kích hoạt được khu vực ODA và đầu tư của khu vực tư nhân cũng được tăng cường.
Thứ ba, Việt Nam là nước có độ mở kinh tế rất lớn, bởi vậy cần phải có cái nhìn trên tổng thể tình hình kinh tế thế giới. Theo dự báo, kinh tế thế giới sẽ phục hồi khả quan và tăng trưởng cao hơn năm 2013, chắc chắn Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn. Bản thân chúng ta cũng đã có những động thái tích cực như: kinh tế tiếp tục phục hồi và ổn định hơn, lạm phát kiềm chế, cán cân thương mại cơ bản là cân bằng, cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh đang đi dần vào cuộc sống…
Vấn đề là chúng ta sẽ làm gì để hưởng lợi nhất từ bối cảnh này, thưa ông?
Kinh tế Việt Nam đang có những thay đổi tích cực theo hướng tận dụng các cơ hội này. Quan trọng nhất là yếu tố về năng suất lao động tổng hợp đang được cải thiện, dù chậm.
Thời kỳ trước đây, tín dụng tăng bình quân 36%/năm, có năm cao điểm như năm 2009 là trên 50% nhưng tăng trưởng chỉ đạt 6 - 7%, bây giờ kế hoạch tăng trưởng tín dụng của chúng ta chỉ 12%, trải qua 11 tháng cũng chưa tăng đến 8% nhưng mức tăng trưởng đã hơn 5,4%.
Như vậy, rõ ràng chúng ta đã dẫn vốn nhanh hơn, đến đúng địa chỉ hơn và có hiệu quả hơn. Một cách trực quan cũng có thể thấy rõ tiến độ các công trình hạ tầng và giao thông mấy năm gần đây đã nhanh hơn, ngay tại Hà Nội, nhiều cây cầu vượt được hoàn thành với tiến độ rất nhanh, rồi đường vành đai 3, đường Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình… là những minh chứng rõ nét.
Yếu tố năng suất lao động tổng hợp chính là một trong những cơ sở để tôi có niềm tin về những diễn biến tích cực hơn của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang mong chờ những vấn đề về hội nhập quốc tế, ví dụ: việc ký kết đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước Liên minh thuế quan Nga – Bêlarút – Cazăcxtan; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu; tăng tốc cho hội nhập khu vực kinh tế ASEAN… được hy vọng sẽ tạo ra những xung lực mới.
Mới đây, chúng ta đã có những cam kết tăng vốn ODA từ Nhật Bản dành cho các cơ sở hạ tầng và các dự án chương trình công nghiệp hóa. Cách thức triển khai cũng đã bắt đầu quyết liệt, dẫn vốn trúng, nhanh, đúng mục tiêu hơn. Tới đây, có thể chưa hy vọng một sự đột phá, nhưng chắc chắn kinh tế Việt Nam 2014 đang có những triển vọng tốt hơn.
Ông đã nhắc tới việc kích hoạt dòng vốn đầu tư tư nhân trong năm 2014. Vẫn có lo ngại rằng, doanh nghiệp vẫn đang khá e dè với niềm tin kinh doanh và điều này sẽ ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của dòng vốn này trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thưa ông?
Tôi cho rằng, điều quan trọng cần phải hành động trong năm nay là tạo dựng các thể chế để khơi thông được các nguồn lực, giải phóng mọi lực lượng sản xuất để phát triển.
Trong 3 đột phá chiến lược hiện nay, cần coi đột phá về cải cách thể chế và hành chính là một trong những trọng tâm, vì vấn đề này không tốn nhiều nguồn vốn vật chất, chủ yếu là vốn “con người”. Đột phá này không chỉ dừng ở khái niệm tháo gỡ mà đặt ra triết lý cao hơn, là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Việc coi cải cách thể thế là trọng tâm trong giai đoạn hiện nay không chỉ có tác động đối với bản thân sự đột phá đó mà lan tỏa tới các đột phá khác cũng như tới cả nền kinh tế.
Triệt để tăng cường cải cách hành chính, tạo động lực nhưng phải có áp lực trách nhiệm đối với các cơ quan thực thi chính sách, giao việc cụ thể, rõ ràng, xác định rõ người chịu trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, thời gian hoàn thành, định tính, định lượng, tuyệt đối không áng chừng, chung chung…
Đối với tái cơ cấu nền kinh tế, cần phải đặt mục tiêu năm 2015 có kết quả cụ thể. Vì vậy, trong năm 2014 này, phải đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh tiến độ thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Để làm được việc này, nguyên tắc thị trường và đảm bảo minh bạch, hiệu quả cần phải được quán triệt và tổ chức thực hiện trên thực tế…
Từ đó, chúng ta sẽ tạo được đồng thuận và niềm tin. Bởi lẽ, một trong những điều chúng ta cần nhất hiện nay là niềm tin của người dân và doanh nghiệp.