Hành trình “hô biến” nhà ở xã hội cho thuê… thành nhà để bán
Đối với các doanh nghiệp bất động sản (BĐS), lợi nhuận được đưa lên hàng đầu và chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cũng không ngoại lệ
Với mục tiêu biên độ lợi nhuận đạt mức cao nhất, một số chủ đầu tư đã không ngần ngại sử dụng nhiều mánh khóe tinh vi để trục lợi, “đẩy” chính sách tốt đẹp của Nhà nước “đi chệch đường ray”. Đáng chú ý, thị trường địa ốc gần đây còn chứng kiến sự kỳ lạ đến khó tin khi hàng chục nhà ở xã hội cho thuê bỗng chốc bị hô biến về… 0.
86 hóa thành… 0
Ngay sau khi Công ty cổ phần Tập đoàn C.E.O công bố tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuê cho 86/432 căn hộ tại dự án nhà ở xã hội Bamboo Garden, ô đất CC-1 thuộc khu đô thị mới tại lô đất N1+N3, khu đô thị Quốc Oai vào cuối tháng 5/2015, thị trường địa ốc đón nhận với một tâm thế hứng khởi.
Bởi nhu cầu về nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở xã hội cho thuê của người dân, đặc biệt là những người ngoại tỉnh đến sinh sống tại Hà Nội luôn “nóng”, trong khi đó, nguồn cung cho phân khúc này lại khá hạn chế và dè dặt. Lý thuyết là thế nhưng thực tế lại diễn biến ngược lại. Theo tài liệu mà phóng viên báo Kinh tế & Đô thị thu thập được, dù hơn một năm trôi qua nhưng số lượng căn hộ đã cho thuê tại nhà ở xã hội Bamboo Garden lại trong tình trạng “hẻo” bất thường với thống kê từ C.E.O luôn là… 0/86 căn!
Cá biệt, trong Thông báo số 275 ngày 1/6/2016 của C.E.O gửi Sở Xây dựng Hà Nội về kế hoạch tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuê, mua nhà ở xã hội Bamboo Garden đợt 5 ghi rõ: Số căn hộ nhà ở xã hội cho thuê: 86 căn và số căn hộ đã cho thuê là 0 căn. Tuy nhiên, kỳ lạ ở chỗ, 2 tháng sau, tại Thông báo số 380, số căn cho thuê và đã thuê đều hô biến về “0”.
Theo phản ánh của một số người dân, nhà ở xã hội Bamboo Garden tiền thân là dự án thương mại nhưng đã xin chuyển đổi mục đích sử dụng thành nhà ở xã hội vào năm 2014. Do ở vị trí ngoại thành, thực tế
nhà ở xã hội Bamboo Garden không “nóng” như nhiều dự án nhà ở xã hội nhà nội đô với tỷ lệ “chọi” thuê cao, nhưng vẫn có khách đến nộp hồ sơ. Nghịch lý cũng từ đây mà xuất hiện: Bất chấp nhu cầu khách hàng là có, chủ đầu tư vẫn khăng khăng khẳng định là không.
Còn nhớ cách đây không lâu, tại một dự án nhà ở xã hội trên địa bàn huyện Thanh Trì với 88 căn hộ cho thuê suốt từ tháng 9/2015 đến cuối tháng 2/2016 xảy ra tình trạng tương tự, khi chủ đầu tư khẳng định không có khách thuê.
Đáng chú ý, vào đầu tháng kế tiếp (tháng 3/2016), chủ đầu tư lại thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà cho chính 88 căn hộ trên với nhiều biến tướng phát sinh về sau.
Chị N.T.K.V (Thanh Trì) bức xúc khi nhớ lại: “Sau khi website của Sở Xây dựng Hà Nội thông báo thời gian tiếp nhận hồ sơ mua nhà đợt 2 với số lượng 88 căn hộ, tôi nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ theo mẫu của chủ đầu tư. Tuy nhiên, thời điểm đi đăng ký hồ sơ mua nhà, rất nhiều khách hàng bức xúc với cách làm việc quan liêu, gây khó khăn cho khách hàng, hạn chế số lượng hồ sơ nộp của chủ đầu tư nhằm trục lợi”.
“Né” cho thuê để bán
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ phân tích: “Đây hoàn toàn có thể là “chiến thuật” của chủ đầu tư. Rõ ràng nếu cho thuê với giá như đã niêm yết thì thời gian hoàn vốn rất lâu, lại tốn công sức duy tu, bảo dưỡng và quản lý. Trong khi đó, trường hợp bán đứt đoạn lại “lợi cả đôi đường” do thu hồi vốn nhanh, lại “lách” được thuế sử dụng đất mà vẫn được hưởng ưu đãi từ nguồn vay vốn của các tổ chức tín dụng”.
Đồng quan điểm, theo ông Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, tính chung cả nước, quỹ nhà ở cho thuê hiện chỉ chiếm hơn 6,3% tổng số hộ dân sở hữu nhà ở, riêng Hà Nội chiếm 14%. Tỷ lệ này rất thấp nhưng lại hiếm chủ đầu tư nhà ở xã hội nào mặn mà, thậm chí tìm cách “né” sang hình thức bán. Kẽ hở lớn nhất của chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội là trao quyền phân phối cho chủ đầu tư.
Ai đời lại giao cho chủ đầu tư – người đặt lợi nhuận của mình lên trên hết – phân phát ưu đãi của Nhà nước cho người thu nhập thấp? Như vậy là hoàn toàn trái với quy luật thị trường. Khách thuê đến nộp hồ sơ thuê nhà ở xã hội nhưng vì một lý do nào đó, chủ đầu tư “lấp liếm” để thông báo lên Sở Xây dựng là “chẳng có ai thuê” nhằm chuyển qua bán thì có ai kiểm tra, kiểm định được? Sở Xây dựng chỉ công bố thông báo lên website thôi chứ đâu có lộ trình thẩm định kết quả này có thật sự chính xác hay không? Thế khác nào cơ chế nửa bao cấp về nhà ở trong cơ chế thị trường.
“Phải nhanh chóng trả bài toán về cho thị trường, Nhà nước phải nắm quỹ nhà ở xã hội thông qua việc thành lập một cơ quan độc lập, không liên quan đến bên xây lẫn bên mua, để tránh được những nỗi lo khuất tất, biến tướng ở trên. Ngoài ra, việc xét chọn người mua nhà phải bắt đầu từ những cấp nhỏ như cấp phường, cơ quan quản lý trực tiếp và phải hoàn toàn công khai cho người dân được biết” – ông Liêm nhấn mạnh.