Hậu Giang giải ngân vốn đầu tư công đang thấp hơn cùng kỳ
Thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 đến nay trên 3.280 tỷ đồng. Trong đó, vốn phân bổ các nhiệm vụ phải chi và phân bổ chi tiết cho các dự án là 2.843 tỷ đồng; các dự án chưa đủ điều kiện phân bổ chi tiết, với số vốn trên 438 tỷ đồng. Tổng khối lượng thực hiện đến nay đạt 12,78% kế hoạch, thấp hơn 10,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ là 23,18%). Giá trị giải ngân đạt 10,98% kế hoạch, thấp hơn 12,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ là 23,18%).
Đối với kế hoạch vốn do các sở, ban, ngành tỉnh Hậu Giang quản lý, tổng số kế hoạch vốn được phân bổ cho các đơn vị cấp tỉnh quản lý là trên 2.000 tỷ đồng (chiếm 66,66%); khối lượng thực hiện đạt 11,61% kế hoạch vốn; giá trị giải ngân đạt gần 8% kế hoạch vốn. Tổng kế hoạch vốn được phân bổ cho các địa phương quản lý là 1.000 tỷ đồng (chiếm 33,34%); khối lượng thực hiện đạt 15,12%; giải ngân đạt tỷ lệ 13,53% kế hoạch vốn.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 cao hơn 468,753 tỷ đồng so với kế hoạch giao đầu năm 2021. Trong tổng số vốn phân bổ chi tiết cho các dự án gồm có 320 dự án chuyển tiếp, chiếm tỷ lệ 75,47% kế hoạch, các dự án đã hoàn thành thủ tục và đang triển khai, đây là điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Tuy nhiên, trong 81 dự án khởi công mới còn 28 dự án chưa đủ điều kiện phân bổ chi tiết với số vốn trên 438 tỷ đồng, đã ảnh hưởng tới tỷ lệ giải ngân của tỉnh.
Để thực hiện hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu giải ngân các nguồn vốn được giao năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các chủ đầu tư cần tập trung xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2022 của các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở địa phương.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm; nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khởi công mới. Đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình chuyển tiếp. Các chủ đầu tư tích cực phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất các cấp và các đơn vị có liên quan khẩn trương giải quyết kiến nghị của người dân bị ảnh hưởng để bàn giao mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công theo quy định.