Hầu hết các địa phương đảm bảo tiến độ thu ngân sách nhà nước
Sáng 11/7, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hầu hết các địa phương đảm bảo tiến độ thu ngân sách nhà nước.
Nhiều địa phương thu đạt 55% dự toán trở lên
Báo cáo tại hội nghị sơ kết, ông Cao Anh Tuấn cho biết, thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2017 do Tổng cục Thuế quản lý ước đạt 464.500 tỷ đồng, bằng 48% so với dự toán, bằng 112,9% so với cùng kỳ (không bao gồm phần thu từ bán cổ phần của Nhà nước tại các doanh nghiệp (DN). Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 23.037 tỷ đồng, bằng 60,1% dự toán, tăng 15,6% so cùng kỳ.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, thu từ dầu thô đạt khá chủ yếu do giá dầu thanh toán bình quân 6 tháng ước đạt 54,6 USD/thùng, cao hơn 4,6 USD/thùng so với giá dự toán và tăng 36,2% so cùng kỳ. Sản lượng thanh toán 6 tháng ước đạt 6.679 ngàn tấn, bằng 54,3% so với dự toán, bằng 87,8% so cùng kỳ.
Thu nội địa ước đạt 441.463 tỷ đồng, bằng 47,5% so với dự toán, tăng 12,7% so với cùng kỳ. Số thu không kể tiền sử dụng đất ước đạt 390.053 tỷ đồng, bằng 45% dự toán, tăng 10,2% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, vẫn còn nhiều khoản thu chưa đạt tiến độ, như các khoản thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh đạt thấp. Cụ thể như thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mới đạt 39,5%, thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 42,1%, thu từ khu vực công thương nghiệp và ngoài quốc doanh đạt 45,6%, thuế bảo vệ môi trường đạt 45% dự toán...
Mặc dù một số khoản thu chưa đạt yêu cầu đề ra, song nhìn chung hầu hết các địa phương đều đảm bảo tiến độ thực hiện dự toán và có tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong đó có 17 địa phương đạt cao so với dự toán (đạt từ 55% dự toán trở lên, có 7 địa phương đạt trên 60%), 12 địa phương tăng trưởng thu cao (trên 40%).
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, ngoài công tác quản lý thu NSNN, một số nhiệm vụ khác như: Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, công tác kê khai và kế toán thuế, công tác thanh tra kiểm tra chống thất thu NSNN, công tác cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ… cũng đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo đà cho việc thực hiện nhiệm vụ của ngành Thuế trong 6 tháng cuối năm.
Tăng thu tối thiểu 8% so với năm 2016
Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2017, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, trước mắt ngành Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực thu, từng sắc thuế, tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu và dự báo thu hàng tháng, hàng quý sát đúng với thực tế phát sinh. Xác định cụ thể các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả đối với chính quyền địa phương.
“Ngành Thuế cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành ở địa phương để quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu. Phấn đấu mỗi cục thuế phải hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN được giao trên địa bàn tối thiểu khoảng 8% so với dự toán pháp lệnh và tăng tối thiểu 14-16% so số thực hiện thu năm 2016”, ông Cao Anh Tuấn nói.
Cùng với giải pháp quản lý chặt việc kê khai và nộp thuế, Tổng cục Thuế cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, nhất là hỗ trợ các DN khởi nghiệp, DN mới thành lập từ hộ kinh doanh; đẩy mạnh thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế theo phương pháp quản lý rủi ro, phấn đấu thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đạt tối thiểu 18% số lượng DN thuộc diện quản lý thuế.
“Cục trưởng các cục thuế phải tăng cường chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng kế hoạch, đặc biệt là các địa phương chưa hoàn thành kế hoạch thanh tra trong 6 tháng đầu năm. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm và các mặt hàng nhạy cảm, tập trung vào các lĩnh vực còn thất thu như: Thanh tra hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng DN, giao dịch liên kết, thương mại điện tử, những DN có rủi ro cao về thuế...”, ông Tuấn cho biết.
Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, công tác thu hồi nợ thuế thời gian qua mặc dù đã tăng so với cùng kỳ, xong số nợ thuế vẫn còn cao. Do đó, từ nay đến cuối năm, ngành Thuế sẽ đẩy mạnh, đôn đốc thu hồi nợ thuế, phấn đấu thu đạt tối thiểu 97% số nợ thuế trên/dưới 90 ngày năm 2016 chuyển sang. Đảm bảo số nợ đến 31/12/2017 không quá 5% tổng thu. Thu ít nhất 20% tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của các khoản tiền thuế nợ đến 90 ngày và tiền thuế nợ trên 90 ngày.
“Chúng tôi sẽ phối hợp với các cấp, các ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc đôn đốc thu thuế, chống thất thu, thu hồi nợ đọng, khai thác tăng thu ngân sách. Tiếp tục công khai thông tin người nộp thuế không nộp tiền thuế đúng hạn trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế”, ông Tuấn nói.